Những cơn nắng kéo dài trong suốt cả mùa mưa làm người trồng mai ở Nhơn An (An Nhơn) đứng ngồi không yên. Lứa hoa nở sớm đã được cắt bỏ, nhưng vẫn chưa dứt nỗi lo bởi chẳng thể lường hết được sự đỏng đảnh của “ông trời”.
“Thủ phủ mai” Nhơn An có 5 làng nghề chuyên trồng hoa mai, gồm: Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái và Tân Dương. Anh Chế Anh Huy, cán bộ nông nghiệp của xã cho biết, hơn 80% số hộ dân ở Nhơn An làm nghề trồng mai. Hộ trồng ít cũng được 300-400 chậu, hộ nhiều lên đến vài ngàn chậu. Mai được trồng khắp nơi, tận dụng tất cả những không gian có thể. Mỗi mùa Tết, người dân Nhơn An cho “xuất lò” hàng triệu chậu mai, đi khắp các vùng miền trong cả nước.
Hoa nở sớm
Dạo quanh các làng mai những ngày này, không khó để nhận thấy sắc mai vàng rực xen giữa những lớp lá xanh rì. Những cánh hoa nở bung, căng tràn sức sống dù chưa có chậu nào được lặt lá.
|
Người dân Háo Đức chăm sóc mai. |
Chuẩn bị cho mùa mai Tết năm nay, vườn mai của anh Nguyễn Ngọc Hải - ở đội 10, thôn Trung Định - có 500 chậu mai lớn. Lúc chúng tôi đến, anh Hải đang cắt tỉa các chậu hoa nở sớm. “Mới cuối tháng 11 âm lịch, hơn 50 gốc mai đã bung hoa. Nhiều chậu có tỉ lệ hoa nở quá nhiều, có những chậu hoa nở hết cả, đành phải thu dọn để nuôi cho mùa sau”, anh Hải nói.
Trong khi đó, vườn mai 2.000 chậu của anh Nguyễn Phú Quốc, ở đội 8, thôn Háo Đức, cũng trong tình trạng tương tự. Anh Quốc cho biết, hầu hết mai của anh đều đã nở hết loạt hoa đầu, mỗi chậu đã nở khoảng 30% số nụ.
Ở Háo Đức, ông Lê Văn Phú, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, là một trong những người có vườn mai lớn nhất. Tết này, ông có hơn 3.000 chậu mai, với mức giá bán dự kiến 300-500 ngàn đồng/chậu. Nhưng, sau những đợt nắng liên tiếp, hoa vàng đã “khoe sắc” khắp vườn mai của ông. Ông Phú ngậm ngùi: “Làm nghề đã nhiều năm, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến hiện tượng nắng kéo dài đến thế. Mai nở nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa, phải có hơn 30% lượng mai trong vườn không thể bán được trong mùa Tết năm nay”.
Mỗi mùa hoa, mai chỉ nở hai đợt nối kề nhau. Nhiều người cho rằng, đợt hoa thứ hai thường không đẹp bằng đợt hoa đầu, lượng hoa cũng ít hơn. Năm nay, nguy cơ đợt hoa thứ hai sẽ nở trước Tết Nguyên đán cũng không hề nhỏ, khi những ngày gần đây, trời đã nắng trở lại sau mấy ngày se lạnh.
… người “héo hon”
Theo nhiều người trồng mai lâu năm, hiện tượng mai nở sớm xuất phát từ hai nguyên nhân. “Năm nhuận chỉ là nguyên nhân phụ, cái chính là nắng nóng kéo dài một cách bất thường. Nếu trời lạnh thì có thể dùng các biện pháp khác nhau để kích thích hoa nở, chứ nắng nóng thì chịu, dù có rút ngắn thời gian lặt lá tình hình cũng không cải thiện là mấy”, ông Phú phân tích.
Ðể mai nở đúng thời điểm Tết, việc lặt lá cho mai được tiến hành theo từng đợt, phụ thuộc vào địa bàn tiêu thụ. Thông thường, với những đơn đặt hàng ra Bắc, người trồng mai đã bắt đầu lặt lá từ cuối tháng 11 âm lịch, còn vào Nam thì gần giữa tháng Chạp. Tuy nhiên, với kiểu thời tiết bất thường như năm nay, việc canh đúng thời điểm để lặt lá mai cũng không dễ. |
Với những chậu mai có hoa nở sớm, người trồng mai thường có chung một cách xử trí. Anh Quốc chia sẻ: “Phải đợi cho đến khi hoa bung nở hết rồi mới cắt bỏ một lần. Có như vậy, lượng dinh dưỡng của cây sẽ dồn để nuôi hoa nở, kìm hãm sự phát triển của những nụ mới hé”.
Theo anh Quốc, nếu thời tiết nắng kéo dài đến hết năm thì mai tết năm nay sẽ rất hiếm, đồng nghĩa với giá sẽ tăng; trong khi đó lượng hoa ít và cũng không đẹp. Mọi năm, thời điểm này, đơn đặt hàng từ mọi nơi đã tới tấp “bay” về Nhơn An. Thế nhưng, năm nay thị trường mai Tết ra chiều ế ẩm. Giá cả cũng giảm khoảng 30% so với năm ngoái.
Hoa mai là loại cây trồng lâu năm, để có được một sản phẩm có giá trị cao bán cho người chơi hoa thường trải qua quá trình chăm sóc trong thời gian dài. Do vậy, nếu những cây mai không “xuất xưởng” được vào dịp Tết vẫn có thể giữ lại cho năm sau. Dù vậy, khi những chậu mai “lỡ hẹn” với Tết, người trồng mai sẽ chịu thiệt hại nặng do kinh phí để chăm sóc mai là khá lớn.
Nghề trồng mai đã và đang đem lại cuộc sống ổn định cho người dân Nhơn An, trong đó không ít người có nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đàng hoàng. Nhưng, nghề này thực sự chẳng “dễ ăn”, ngoài kỹ thuật chăm sóc, hiệu quả mang lại còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Cả năm quần quật lo chăm sóc, nhiều nhà chỉ chờ đến cuối năm bán mai mới có tiền sắm Tết, nhưng gặp thời tiết khắc nghiệt phải lỗ vốn, coi như mất Tết...
|