|
Chuyển giao máy làm đất đa năng phục vụ cơ giới hóa trồng mía cho HTXNN Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: P.T.S |
Qua 2 năm triển khai thực hiện, mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía tại một số vùng nguyên liệu mía trong tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, giúp giảm chi phí, công lao động, tăng thu nhập cho người trồng mía.
Bình Định có vùng trồng mía nguyên liệu với diện tích hơn 3.500 ha, tập trung tại các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Nhơn, hàng năm cung cấp khoảng 100 ngàn tấn mía nguyên liệu cho nhà máy đường. Từ nhiều năm nay, cùng với Công ty CP Đường Bình Định, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mía cho nông dân: kỹ thuật thâm canh sản xuất mía, nhân giống mía trong túi bầu và chuyển giao các giống mía mới có năng suất cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất mía, tăng thu nhập cho nông dân.
Năm 2011, Trung tâm KNKN đã tiếp nhận từ Trung tâm KN quốc gia và triển khai thực hiện Dự án “Cơ giới hóa trong sản xuất mía” (thời gian 3 năm, 2011-2013) với mục tiêu chuyển giao các loại máy làm đất, máy nâng xếp và máy thu hoạch mía nhằm cơ giới hóa hoạt động sản xuất mía trong các khâu làm đất, thu hoạch và bốc xếp, vận chuyển mía; giải quyết vấn đề thiếu lao động thời vụ, giảm chi phí sản xuất; tăng thu nhập cho nông dân; phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững.
Trung tâm đã triển khai thực hiện dự án tại HTXNN Định Quang (xã Vĩnh Quang - huyện Vĩnh Thạnh), chuyển giao 6 máy làm đất và 5 máy nâng xếp mía cho HTXNN Định Quang. Việc quản lý, sử dụng máy và tổ chức hoạt động dịch vụ do HTX trực tiếp tổ chức, quản lý điều hành theo phương án và kế hoạch được Hội nghị xã viên thông qua. Bước đầu trong vụ mía năm 2011-2012, các máy làm đất được sử dụng giúp xã viên trong HTX sản xuất mía đạt hiệu quả kinh tế hơn.
Năm 2012, Trung tâm KNKN tiếp tục thực hiện Dự án “Cơ giới hóa trong sản xuất mía” tại các xã Bình Nghi và Tây Giang thuộc huyện Tây Sơn, chuyển giao cho nông dân 12 máy làm đất. Mô hình có diện tích trồng mía 40 ha/xã và 50 hộ/xã tự nguyện tham gia mô hình. Tại 2 xã đã tổ chức các nhóm hộ nông dân tự quản trực tiếp sử dụng máy phục vụ sản xuất trong mô hình. Trung tâm cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ máy làm đất mía, đảm bảo an toàn lao động.
Qua 2 năm, Trung tâm KNKN đã cùng Trạm KN Vĩnh Thạnh và Trạm KN Tây Sơn triển khai thành công mô hình cơ giới hóa sản xuất mía, trong đó đã chuyển giao cho nông dân 18 máy làm đất đa năng 1Z-41B và 5 máy nâng xếp mía. Các hộ nông dân tham gia đã tiếp thu và vận hành sử dụng máy tốt trong quá trình sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực.
Máy làm đất đa năng 1Z-41B có kết cấu gọn nhẹ, công suất 8 mã lực, có bánh lồng, giàn phay, lưỡi đánh luống với các tính năng: phá gốc, đào luống, lấp đất, xới cỏ, vun gốc để phục vụ khâu làm đất, trồng và chăm sóc mía. Máy này cũng có thể phục vụ làm đất và chăm sóc các loại cây màu như bắp, đậu phụng, mì… Kết quả sử dụng máy bước đầu cho thấy chi phí cày trồng giảm hơn làm thủ công 400 ngàn đồng/ha, cày gốc giảm 800 ngàn đồng/ha, xới cỏ giảm 1 triệu đồng/ha, làm cỏ giảm 2 triệu đồng/ha, góp phần giảm sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Với giá từ 25 - 27 triệu đồng/máy, nông dân có thể tự đầu tư mua sắm, nên mô hình có khả năng nhân rộng cao. Tuy nhiên với loại máy nâng xếp mía, do phần lớn ruộng mía trong mô hình có diện tích nhỏ, sản lượng mía không nhiều, nên hiệu quả sử dụng máy nâng xếp trong khâu thu hoạch chưa thật sự rõ nét. Chính vì thấy được hạn chế này nên bà con nông dân ở Tây Sơn khi tham gia dự án đã đề nghị Trung tâm KNKN thay vì chuyển giao 6 máy làm đất và 6 máy nâng xếp mía thì chuyển giao 12 máy làm đất, và đã được Trung tâm nhất trí, nhờ đó đã đem lại nhiều tiện ích hơn.
Theo kế hoạch của Dự án, trong năm 2013, Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục triển khai chuyển giao 2 máy thu hoạch mía cho nông dân tham gia mô hình, nhằm thực hiện mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất mía từ làm đất trồng, chăm sóc đến thu hoạch, để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất mía.
|