Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng một số doanh nghiệp (DN) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Bước sang năm 2013, tuy thách thức vẫn còn rất lớn, nhưng nhiều DN đang nỗ lực phát huy thế mạnh để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Những điểm sáng
Điểm lại “sức khỏe” DN trong năm 2012, Sở KH-ĐT đưa ra con số đáng lưu ý: So với năm 2011, số DN giải thể tăng 50%, số DN thành lập mới giảm 16,15% về số lượng và 27,23% về vốn đăng ký. Điều này đã làm giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế; cụ thể là hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2012 thực hiện không đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu tăng 16,1%, nhưng thực hiện chỉ đạt 8,1%).
|
Một góc phân xưởng sản xuất nước ngọt của Công ty cổ phần Nước khoáng Quy Nhơn. |
Tuy nhiên, trong điều kiện hoạt động SXKD của nhiều DN trên địa bàn tỉnh bị đình đốn, phá sản thì vẫn có một số DN đã chọn lối đi riêng, hoạt động có hiệu quả nên phát triển ổn định. Đơn cử, Công ty cổ phần Nước khoáng Quy Nhơn vẫn phát triển ổn định và khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty, cho biết: đơn vị luôn quan tâm phát triển thị trường và mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Chỉ tính trong năm 2012, Công ty đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng phát triển công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nên sản phẩm làm ra đã được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, hoạt động SXKD của đơn vị đạt hiệu quả cao, các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng trên 30% so với năm 2011.
Cuộc khủng hoảng nợ công và chính sách thắt chặt chi tiêu ở một số nước châu Âu đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhất là mặt hàng thủy sản - vốn được xem là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh. Trong tình hình đó, một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đã phải thu hẹp sản xuất, nhưng Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn vẫn phát triển ổn định. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ, DN đã tuyển dụng thêm nhân lực, tổ chức đào tạo nghề, nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ lao động; công tác thu mua nguyên liệu, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm cũng đã được DN chú trọng hơn. Nhờ đó, năm 2012 DN đã thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 triệu USD, tăng 30% so với năm 2011.
Bên cạnh hàng loạt DN chế biến gỗ làm ăn thua lỗ, cắt giảm sản xuất thì Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO vẫn vững vàng. Trong năm qua, công ty đã tiến hành đầu tư trang thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ các hoạt động chế biến xuất khẩu; tăng cường nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ chuyên ngành trong nước cũng như quốc tế về hàng gỗ xuất khẩu để tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm khách hàng… Năm 2012, các chỉ tiêu doanh thu, kim ngạch xuất nhập khẩu, lợi nhuận của công ty đều tăng trưởng trên 30% so với năm 2011…
Kỳ vọng năm 2013
Năm 2013, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang quyết tâm tiếp tục nỗ lực vượt khó, chọn hướng đi phù hợp nhằm tạo sự đột phá.
Ông Mai Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, cho biết: Theo dự đoán, nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhưng yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Để đáp ứng yêu cầu này, DN chúng tôi đang tập trung chế biến những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo không có dư lượng kháng sinh, hóa chất cũng như các chất bị cấm khác. Chúng tôi sẽ chú trọng sản xuất một số mặt hàng cao cấp từ tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá ngừ đại dương, cá thu… phục vụ xuất khẩu. Các sản phẩm này đã được khách hàng ở các thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản chấp nhận và ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Mục tiêu trong năm 2013, DN phấn đấu nâng mức doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so với năm 2012.
Công ty cổ phần chế biến Gỗ nội thất PISICO cũng đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lắp đặt thêm một số dây chuyền công nghệ cao nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Một trong những dự án đang được DN xúc tiến là đầu tư trang thiết bị để mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất, có giá trị cao, tiêu hao nguyên liệu ít. Đây là một trong những vấn đề mà ngành công nghiệp tỉnh quan tâm trong việc chọn bước đi vững chắc cho lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu. Hiện nay, mặc dù mới đầu năm, nhưng công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng sản xuất có giá trị lớn, đảm bảo cho 350 lao động có việc làm thường xuyên và phấn đấu thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 5 triệu USD trong năm 2013.
Thực tế cho thấy, trong khó khăn chung, nhiều DN vẫn luôn có ý thức tự cứu lấy mình, tận dụng mọi cơ hội, tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động và điều chỉnh SXKD thông qua các tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, để tăng sức cạnh tranh, năm 2013 ngoài việc tự nỗ lực thì DN rất cần sự nhất quán và minh bạch từ chính sách. Do đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ các nút thắt của nền kinh tế như tăng sức mua của thị trường, tiếp tục thực hiện gia hạn, giãn, giảm thuế cho DN, giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho…
|