Thời gian qua, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và các chương trình đưa hàng về khu vực nông thôn phục vụ nhân dân mua sắm tết trong dịp Tết Quý Tỵ - 2013 đã được các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực.
Nhiều chương trình ý nghĩa
Theo Sở Công Thương, tổng trị giá hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết Quý Tỵ của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng trên 820 tỉ đồng; trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm trên 246 tỉ đồng; nhóm hàng quần áo, giày dép gần 107 tỉ đồng; nhóm hàng máy móc, thiết bị điện tử khoảng 123 tỉ đồng; nhóm hàng trang trí nội thất, đồ gia dụng khoảng 107 tỉ đồng; nhóm hàng công nghệ tiêu dùng khác và xăng dầu ước khoảng 238 tỉ đồng...
|
Đưa hàng về phục vụ đồng bào Hoài Châu - Hoài Nhơn. |
Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm hàng Tết của người dân, Sở Công Thương đã tăng cường chỉ đạo các DN quan tâm đến số lượng, chất lượng hàng hóa. Các điểm bán hàng phải được sắp xếp sạch sẽ, có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Các đơn vị chức năng của Sở thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn việc nâng giá bất hợp lý, thực hiện niêm yết giá hàng hóa tại các quày, sạp hàng.
Nhằm đưa hàng Tết về phục vụ nhân dân nông thôn, miền núi thực sự hiệu quả, từ cuối năm 2012 đến nay, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh và Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, DN triển khai nhiều chương trình cụ thể, thiết thực. Theo ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, Chương trình “Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, miền núi” với các phiên chợ được tổ chức vào dịp cuối năm đã giúp người dân ở khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh có điều kiện mua sắm những mặt hàng thiết yếu để đón Tết Quý Tỵ. Tại các phiên chợ, ngoài các loại hàng hóa khá phong phú, đa dạng, nhiều DN trong và ngoài tỉnh đã tổ chức bán hàng khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi từ 5% đến hơn 40% để phục vụ người tiêu dùng...
Với Chương trình “Tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá”, có 50 DN trên địa bàn tỉnh gồm nhiều ngành hàng tham gia, có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà khá hấp dẫn. Chương trình này đang tiếp tục đến cuối tháng 1.2013.
Ưu tiên nông thôn, miền núi
Theo Sở Công Thương, ngay từ tháng 11.2012, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão triển khai thực hiện phương án tổ chức hoạt động dịch vụ cung ứng hàng hóa cho đồng bào miền núi đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, đầy đủ lượng hàng hóa, bảo đảm đưa hàng hóa đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước Tết và triển khai kế hoạch bán hàng phục vụ Tết.
Giá trị lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa năm nay cũng khá cao. Riêng giá trị lượng hàng hóa của các trung tâm thương mại, DN, siêu thị chuẩn bị phục vụ đồng bào ước khoảng 58 tỉ đồng; trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm khoảng 17 tỉ đồng; nhóm hàng quần áo, giày dép 7,5 tỉ đồng; hàng máy móc, thiết bị điện tử 9,9 tỉ đồng; hàng công nghệ tiêu dùng, xăng dầu khoảng trên 15 tỉ đồng…
Đặc biệt, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo về việc “Cung ứng kịp thời, đầy đủ, bảo đảm hàng hóa thiết yếu với mức giá phù hợp cho bà con đồng bào miền núi ở các vùng giao thương khó khăn, nhất là dịp Tết Quý Tỵ - 2013”. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt phương án tổ chức hoạt động dịch vụ cung ứng hàng hóa cho đồng bào miền núi trên địa bàn các huyện An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và Tây Sơn; giao UBND các huyện An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh tổ chức triển khai thực hiện việc cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho đồng bào miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí cung ứng hàng hóa cho 3 huyện nói trên là trên 5,2 tỉ đồng; trong đó huyện An Lão được hỗ trợ trên 2,12 tỉ đồng; Vân Canh gần 1,15 tỉ đồng; Vĩnh Thạnh gần 2 tỉ đồng…
|