Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Ðịnh:
Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân
22:53', 11/1/ 2013 (GMT+7)

Sau hơn 7 năm hoạt động, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN-HTND) tỉnh đã góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và góp phần làm chuyển biến, thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con nông dân ở địa phương.

Trung tâm DN-HTND tỉnh được hình thành từ năm 2005, mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, song giờ đây đã có dáng dấp của một đơn vị dạy nghề với các hoạt động khá đa dạng. Trung tâm đã có các phòng chức năng dùng để quản lý, làm dịch vụ, tổ chức các lớp dạy nghề học lý thuyết và thực hành tại chỗ, cũng như phục vụ dạy nghề lưu động ở các địa phương. Cơ sở hậu cần của Trung tâm như ký túc xá, nhà ăn, hội trường, sân bãi, vườn cây xanh… ngày càng được xây dựng hoàn thiện.

 

Học viên của Trung tâm DN-HTND tỉnh nhận chứng chỉ nghề sau khóa đào tạo. Ảnh: ĐÀO MINH TRUNG

Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Trung tâm DN-HTND tỉnh, cho biết: Hàng năm, tiếp nhận nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, Trung tâm tổ chức dạy nghề gắn liền các nhóm nghề phù hợp với chủ trương, định hướng quy hoạch và điều kiện sản xuất ở các địa phương có nông dân đăng ký theo học, đồng thời bổ sung danh mục nghề sơ cấp để đa dạng hóa theo nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi sản xuất của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Có 7 nhóm nghề ổn định, gồm: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; chọn và nhân giống cây trồng; nuôi trồng thủy sản; trồng và chăm sóc vườn cảnh; trồng rau an toàn; mộc dân dụng; quản lý, sửa chữa lưới điện nông thôn. Kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn từ 500 đến 800 triệu đồng/năm với chỉ tiêu người học từ hơn 300 đến hơn 500 học viên/năm. Trong năm 2012, Trung tâm đã chiêu sinh và đào tạo nghề đạt 100% chỉ tiêu giao với 13 lớp học, trong đó có 5 lớp nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, 5 lớp nhân giống cây trồng và 3 lớp nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Bên cạnh dạy nghề, Trung tâm còn phối hợp tổ chức tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, giới thiệu việc làm, hội thi tay nghề giỏi, sáng tạo nhà nông, tổ chức hội thảo, khảo nghiệm, thực nghiệm, xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế-xã hội ở các làng nghề, thành lập doanh nghiệp nông thôn, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng các đại lý dịch vụ cung ứng vật tư, máy cơ giới, thiết bị nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT mới cho người học nghề…

Từ các lớp nghề của Trung tâm được ưu tiên tổ chức dạy lưu động ở cơ sở, đã có 424 học viên ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ nghề.

Anh Trần Văn Sơn, ở xã Bình Thành - huyện Tây Sơn, học viên khóa 1-2011 trồng và chăm sóc vườn cảnh, khẳng định: “Dạo trước tôi đi cắt tỉa cây cảnh thuê thu nhập cũng khá. Song tôi muốn đi học nghề để hiểu biết thêm. Lâu nay chỉ làm theo kinh nghiệm tích lũy được, thấy không tự tin. Bây giờ, cầm trong tay chứng chỉ nghề chứng tỏ mình làm chuyên nghiệp và bài bản hơn”.

Anh Phan Trung Long, ở xã Bình Tường - huyện Tây Sơn, học viên khóa 2-2012 nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Trung tâm, cho biết: “Tôi đang có kế hoạch mở rộng diện tích ao nuôi cá nước ngọt của gia đình, nuôi thâm canh như các thầy giáo đã “cầm tay chỉ việc”, bảo đảm có hiệu quả cao, tăng thu nhập. Tôi cũng tham gia CLB nuôi cá do Hội Nông dân xã mới thành lập để phát huy nghề nuôi cá, giúp nông dân làm ăn ổn định, tăng thu nhập”.

Ông Nguyễn Xuân Điền cho biết thêm: Các hoạt động của Trung tâm đã góp phần nâng cao hiểu biết về KHKT, thay đổi tập quán canh tác cũ của nông dân, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, nông dân có thêm thu nhập. Đơn cử như 49 lao động ở thôn Định Tường, xã Vĩnh Quang - huyện Vĩnh Thạnh có thêm thu nhập 900 ngàn đồng/người/tháng từ trồng rau sạch do Trung tâm dạy nghề; qua thành lập 25 CLB nuôi heo sạch ở các địa phương trong tỉnh với 405 thành viên tham gia, hầu hết đều có thu nhập vượt trội so với nuôi heo theo kiểu truyền thống…

  • ĐÀO MINH TRUNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công lặt lá mai tăng cao, vẫn thiếu nhân công  (11/01/2013)
Sẽ truy thu mọi xe máy chưa đóng "thuế đường"  (11/01/2013)
Hoàn thành trong gian khó  (10/01/2013)
Kinh tế Vân Canh - một năm nhìn lại  (10/01/2013)
Góp thêm sắc xuân cho mọi gia đình   (10/01/2013)
Toàn tỉnh có 24 điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng  (10/01/2013)
Hội thảo Phát triển KH-CN vùng duyên hải Nam Trung bộ  (10/01/2013)
Khai mạc Hội chợ Khuyến mãi Bình Định - 2013  (10/01/2013)
Quyết tâm hoàn thành trong năm 2013  (09/01/2013)
Kiểm tra tiến độ các dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường quốc lộ  (09/01/2013)
Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Vĩnh Sơn phù hợp với việc trồng cây cao su  (09/01/2013)
Từ 10.1, mua bán vàng miếng không đúng chỗ sẽ bị phạt  (09/01/2013)
Tăng cường bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân  (08/01/2013)
Tây Sơn tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sản xuất vật liệu không nung  (08/01/2013)
Ngành Điện “đi trước”  (08/01/2013)