|
Dự án CTNN hỗ trợ kinh phí cho nông dân huyện Vĩnh Thạnh mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Dự án (DA) Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ bắt đầu thực hiện tại Bình Định từ năm 2010. Các hoạt động của DA đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nông dân trong tỉnh. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Ban quản lý DA (BQLDA) CTNN tỉnh, về việc thực hiện DA này.
* Xin bà cho biết tình hình thực hiện DA CTNN ở tỉnh ta?
- Bình Định là một trong 8 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện DA CTNN. DA gồm có 4 hợp phần: Hợp phần A- tăng cường công nghệ nông nghiệp; hợp phần B - hỗ trợ liên minh sản xuất (LMSX); hợp phần C - cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu; hợp phần D - hỗ trợ quản lý DA.
Với hợp phần A, BQLDA đã tổ chức thực hiện 23 chủ đề về công nghệ nông nghiệp. Đến cuối năm 2012 có 6 chủ đề hoàn thành nghiệm thu, được đánh giá cao. Các chủ đề còn lại đang được triển khai. BQLDA cũng đã ký hợp đồng trách nhiệm với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện giám sát và kiểm tra dư lượng hóa chất ở các loại rau xanh trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn.
Với hợp phần B, có 11 LMSX được thành lập và hoạt động ổn định, trong đó có 1 LMSX đã kết thúc, 1 liên minh được gia hạn. Phần lớn các LMSX đã tổ chức tốt hoạt động sản xuất và thu mua nông sản, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp (DN) và nông dân. DA đã hỗ trợ cho các LMSX mua sắm được 57 máy cày, 10 máy tuốt lúa, 7 máy gặt lúa, 101 bình bơm thuốc trừ sâu, 850 tấm bạt phơi, 482 tấn phân bón các loại, 3.083 kg thuốc trừ sâu bệnh các loại, xây dựng 35 hệ thống biogas; tổ chức 30 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; mua sắm thiết bị văn phòng và hỗ trợ các DN xây dựng 5 trang web; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tìm kiếm và phát triển thị trường. Hiện BQLDA đang tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc thực hiện hợp đồng giữa DN và nông dân, đồng thời giám sát hoạt động của các LMSX, nhằm giúp các LMSX hoạt động hiệu quả hơn.
Với hợp phần C, BQLDA đã phối hợp thực hiện 25 tiểu DA nâng cấp, cải tạo kênh mương dẫn nước và đường giao thông nông thôn tại các vùng sản xuất thực hiện LMSX ở Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, TP Quy Nhơn… Đến cuối năm 2012, có 8 công trình giao thông, thủy lợi đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho địa phương quản lý. Hiện nay, BQLDA đang hoàn tất các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các tiểu DA còn lại trong năm 2013.
Hợp phần D cũng đã thực hiện với nhiều hoạt động như: mua sắm trang thiết bị văn phòng; cử cán bộ BQLDA tham dự các lớp đào tạo, tập huấn và tham quan, học hỏi kinh nghiệm do WB và Ban điều phối Trung ương tổ chức…
* Bà đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các hợp phần của DA?
- Tất cả các chủ đề, các hoạt động của DA đã và đang thực hiện đều là những vấn đề bức xúc, cấp thiết để phục vụ sản xuất ở địa phương, do ngành chức năng, chính quyền, nông dân và các DN đề xuất. Bởi vậy, các đối tượng tham gia, đối tượng hưởng lợi đều rất hài lòng với các hoạt động và kết quả mang lại của DA. Nhiều tiểu DA hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều LMSX hoạt động hiệu quả, và các hoạt động hỗ trợ của DA đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nông dân vùng DA.
* Được biết, trong quá trình thực hiện DA cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Bà có thể cho biết thêm về vấn đề này?
- Điều kiện tự nhiên ở tỉnh ta không thuận lợi cho việc thực hiện các hợp phần của DA; diện tích sản xuất của các hộ nông dân không lớn; trang trại sản xuất nông nghiệp và DN sản xuất nông nghiệp không nhiều, quy mô sản xuất nhỏ; các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trên địa bàn tỉnh quá ít và quy mô nhỏ. Do đó, việc triển khai thực hiện DA gặp khó khăn nhất định. Việc tìm kiếm, lựa chọn các chủ đề tăng cường công nghệ nông nghiệp đặc trưng của tỉnh cũng gặp khó khăn, bởi các sản phẩm có sản lượng cao, nhưng sức cạnh tranh thấp, ngược lại các sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh lại có sản lượng thấp.
Việc lựa chọn và thành lập các LMSX cũng không dễ, bởi số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến, nuôi trồng thủy sản ít, trong khi có nhiều hộ nông dân tham gia trong một liên minh, nên công tác tổ chức tập huấn, đào tạo cho nông dân, công tác thu thập số liệu viết kế hoạch kinh doanh cho LMSX mất khá nhiều thời gian.
Sự phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan trong ngành để triển khai đề xuất các chủ đề nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng, chủ đề và triển khai xây dựng, thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu còn chưa chặt chẽ. Một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng cho DA, nhất là vốn đối ứng cho công tác tư vấn thiết kế, thẩm định, bồi thường giải phóng mặt bằng của các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh. Những hạn chế nói trên cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ chung của DA.
* Trong thời gian đến, DA sẽ có những hoạt động gì, BQLDA có những giải pháp nào nhằm tăng hiệu quả thực hiện DA, thưa bà?
- Trong năm 2013, WB tiếp tục hỗ trợ kinh phí giúp tỉnh ta thực hiện 6 công trình giao thông, thủy lợi tại An Nhơn, Tây Sơn và Phù Cát, với tổng trị giá khoảng 542.742 USD, nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Trong đó, tại An Nhơn có 4 công trình, Tây Sơn 1 công trình và Phù Cát 1 công trình. Hiện, BQLDA đã lựa chọn và ký hợp đồng với các nhà thầu thực hiện các công trình nói trên.
Năm 2013 là năm kết thúc DA, do vậy, BQLDA đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng tốc thực hiện có hiệu quả DA. Bên cạnh việc thực hiện các chủ đề đã ký hợp đồng trong năm 2012, chúng tôi tiến hành thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi đã trao thầu, đồng thời tiếp tục củng cố các LMSX đã ra mắt; đề xuất WB bổ sung, nhân rộng thêm 2 chủ đề keo lai cấy mô, lúa nhiễm phèn và xét duyệt bổ sung 5 tiểu DA đã có hồ sơ thiết kế. BQLDA sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện các hạng mục của DA theo đúng lộ trình đã cam kết với nhà tài trợ.
* Xin cảm ơn bà!
|