Ông Ngô Ðình Ba, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Vụ kiệu Tết năm nay, nông dân Phù Mỹ trồng hơn 638,5 ha, tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, là một trong 2 năm có diện tích kiệu lớn nhất. Kiệu Tết được mùa, được giá, người trồng kiệu ở Phù Mỹ rất phấn khởi…
Do vụ kiệu Tết năm ngoái được giá, người trồng kiệu ở Phù Mỹ thu nhập cao; mặt khác, do khó khăn về nước tưới ở đầu vụ, một số chân đất cao sản xuất lúa, kể cả hoa màu... cũng được bà con nông dân chuyển sang trồng kiệu, nên diện tích kiệu toàn huyện Phù Mỹ năm nay tăng mạnh.
Nhiều thuận lợi
Đặc biệt, trong năm 2012, có 2 dự án về cây kiệu Phù Mỹ được thực hiện. Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng kiệu Phù Mỹ” được triển khai với mục đích nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng kiệu. Dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ dùng cho sản phẩm củ kiệu huyện Phù Mỹ - tỉnh Bình Định” nhằm bảo hộ thương hiệu “kiệu Phù Mỹ”, tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm kiệu. Nhờ đó, nông dân Phù Mỹ mạnh dạn sản xuất kiệu nhiều hơn.
|
Thương lái mua kiệu ở Phù Mỹ đưa đi tiêu thụ. Ảnh: XUÂN LỘC |
Ở Phù Mỹ, cây kiệu tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Quang, Mỹ Phong, thị trấn Phù Mỹ, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Lợi... Từ kết quả của đề tài “Nâng cao năng suất, chất lượng kiệu Phù Mỹ” do Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh hỗ trợ thực hiện, nông dân xã Mỹ Hòa đã trồng hơn 180 ha kiệu, trở thành “vựa” kiệu lớn nhất Phù Mỹ trong dịp Tết này.
Năm nay, kiệu lá và kiệu củ đều được nhổ bán sớm hơn cả tháng so với các năm trước, với giá tăng hơn từ 1.000 - 2.000đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mua bán càng thuận tiện hơn khi các thương lái đến tận ruộng kiệu để mua, thanh toán tiền dứt điểm một lần trước khi xe lăn bánh. Có không ít tiểu thương mua bán qua điện thoại, cho xe đưa hàng đến tận nơi, nhất là các tỉnh miền Nam, nhận tiền qua tài khoản, nhanh chóng, thuận lợi…
Kiệu được mùa, được giá
Theo nhiều nông dân trồng kiệu ở Phù Mỹ, nhờ thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, năm nay phần lớn diện tích kiệu trên địa bàn huyện đều đạt năng suất cao, bình quân 1,2 tấn kiệu lá, 450 - 500 kg kiệu củ/sào; củ kiệu chắc, đẹp, tiêu thụ nhanh, giá cao, có thời điểm kiệu lá lên đến 8.000- 9.000đ/kg; kiệu củ 21.000- 22.000đ/kg. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, hiện nay kiệu Phù Mỹ “ăn” mạnh ở nhiều nơi trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Thời điểm này, đi trên địa bàn huyện Phù Mỹ, đâu đâu cũng thấy kiệu, từ ngoài ruộng đến vườn nhà. Ở các ngã ba, ngã tư trên địa bàn các xã Mỹ Tài, Mỹ Quang, Mỹ Phong, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, nhất là theo tỉnh lộ 631 lên cạnh trụ sở UBND xã Mỹ Trinh, tại ngã ba thôn Trực Đạo, ở thị trấn Phù Mỹ… nhộn nhịp cảnh bà con nông dân thu hoạch kiệu, chặt lá, dồn củ, cân, vào bao, vào giỏ, vận chuyển kiệu lên xe…; rộn ràng tiếng nói cười, người bán người mua đều vui vẻ... Buổi chiều xuống, những chiếc tải nặng đã “ăn” đầy hàng kiệu, hối hả xuôi vào Nam, để lại niềm vui cho người trồng kiệu.
Tại một “vựa” kiệu ở thị trấn Phù Mỹ, chúng tôi được vui cùng niềm vui của người trồng kiệu. Chú Nguyễn Văn Cường, ở thôn Bình Trị - xã Mỹ Quang, vừa bán xong 60 kg kiệu củ với giá 18.000đ/kg, đã hối hả lên xe máy về nhà chở kiệu lên cân tiếp. Anh Nguyễn Văn Trung, ở thôn Trực Đạo - xã Mỹ Trinh, vừa cân xong 80 kg kiệu lá, cầm trên tay hơn 500 ngàn đồng, cho biết: “Tui không có công để bán kiệu củ, nên nhổ, bó, rửa sạch bán lá, mà giá kiệu lá cứ 6.000 - 7.000 đồng như thế này thì cũng lời cao”. Anh Nguyễn Văn Tám, người trồng kiệu ở thôn Tường An - xã Mỹ Quang, tâm sự: “Tuy nhọc công nhưng bán kiệu củ tính ra có lời hơn kiệu lá, năm nào tui cũng trồng 3 sào, mới nhổ 1 sào, được hơn 400 kg kiệu củ, thu về 7, 2 triệu đồng, tăng cả triệu đồng so với năm ngoái”.
Ông Đinh Văn Thuận, cũng ở thôn Trực Đạo, trồng kiệu nhiều năm, bộc bạch: “Năm ngoái, kiệu tháng Chạp bán không xong thì để đấy sau Tết nhổ bán tiếp, không sợ bị ép giá, không phải “bán đổ, bán tháo” như mọi năm, nên năm nay người trồng kiệu rất tự tin khi ngã giá với thương lái”.
“Tùy theo chất lượng, với giá kiệu lá đầu vụ đến nay cứ bình quân 7.000- 8.000đ/kg; kiệu củ từ 15.000 - 20.000đ/kg, thì vụ này bà con trồng kiệu thắng lớn” - chị Hồng, thương lái mua kiệu đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, vừa tính tiền cho bà con bán kiệu, vừa thổ́ lộ.
Kiệu được mùa, được giá, bên cạnh người trồng kiệu, người mua bán kiệu có thu nhập khá, các dịch vụ “ăn theo” cây kiệu đã thu hút hàng ngàn lao động có việc làm, có thu nhập, như người đan giỏ kiệu; lao động nhổ kiệu, chặt, xếp bó, vận chuyển lên xe, rồi đến các dịch vụ ăn uống, thương mại… ở Phù Mỹ cũng rộn ràng kẻ bán người mua, khiến cả huyện khấp khởi cùng vui chung.
|