Ðể đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và giúp thị trường rượu lành mạnh hơn, ngày 12.11.2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NÐ-CP (gọi tắt là NÐ 94) về sản xuất, kinh doanh (SXKD) rượu. Theo đó, từ ngày 1.1.2013, tất cả các loại rượu đều phải được gắn tem, nhãn và việc SXKD rượu phải có giấy phép.
Tăng cường khâu quản lý
Theo NĐ 94, từ ngày 1.1.2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép đăng ký sản xuất, trên sản phẩm phải có dán nhãn. Trong trường hợp bán rượu cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra. Như vậy, từ ngày 1.1.2013, các hộ SXKD rượu thủ công phải có giấy phép sản xuất rượu. Giấy phép có thời hạn 5 năm, sau đó phải có văn bản đề nghị cấp lại, nếu vẫn đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm.
|
Đóng chai rượu Bàu Đá tại cơ sở kinh doanh rượu Bàu Đá Thành Tâm, xã Nhơn Lộc - thị xã An Nhơn. Ảnh: NGỌC THÁI |
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong quý IV năm 2012, toàn quốc ghi nhận 22 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Thống kê của Cục cũng cho thấy, tỉ lệ người tử vong do sử dụng rượu chiếm khá cao, khoảng 40% các ca tử vong do ngộ độc thực phẩm. Trong các nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất do ngộ độc thực phẩm thì tử vong do rượu đứng thứ hai (chỉ đứng sau các trường hợp tử vong do ăn cá nóc). Nhìn từ các vụ ngộ độc vì rượu cho thấy, NĐ 94 ra đời là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, không chỉ giúp thị trường rượu lành mạnh hơn, mà còn ngăn ngừa những hiểm họa khó lường từ rượu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến trái chiều
Sau khi NĐ 94 ra đời đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi không ít người tỏ ra ủng hộ NĐ mới về việc siết chặt kiểm tra các loại rượu không rõ nguồn gốc, công thức chế biến, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thì vẫn còn một số ý kiến tỏ ra quan ngại, nhất là của bà con nấu rượu thủ công.
Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất- Kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, cho biết: “Thời gian qua những loại rượu không nhãn mác, rượu nhái nhãn hiệu Bàu Đá bày bán trôi nổi trên thị trường đã tác động không nhỏ đến uy tín, chất lượng và thương hiệu rượu Bàu Đá được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, gây thiệt hại cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Nếu NĐ 94 triển khai và thực hiện đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động SXKD rượu. Từ đó, những loại rượu giả, kém chất lượng sẽ dần bị loại bỏ. Qua đây tôi cũng mong các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những điểm bày bán rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán”.
Còn chị Trương Thị Bốn, nấu rượu thủ công ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), thì tỏ ra băn khoăn: “Tôi thấy NĐ này ban hành cũng hợp lý, nhưng nếu thực hiện chắc không dễ chút nào. Hơn chục năm nay gia đình tôi chỉ nấu rượu bán cho bà con trong vùng, rồi tận dụng hèm để nuôi heo, chứ có kinh doanh gì lớn lao đâu mà đăng ký nhãn hiệu hay dán mác sản phẩm này nọ cho thêm chuyện…”.
“Từ ngày 1.1.2013, các hộ SXKD rượu thủ công phải có giấy phép sản xuất rượu” |
Tương tự, chị Lê Hồng Thúy (kinh doanh rượu gạo ở thị trấn Tuy Phước- huyện Tuy Phước), cho biết: Hầu hết người mua đều lo ngại rượu không đảm bảo chất lượng sẽ nguy hiểm, nên kiểm tra chất lượng rượu là rất đúng đắn. Nhưng nếu cấm rượu không nhãn mác lưu hành sẽ khó cho những người dân buôn bán nhỏ lẻ như tôi, vì rượu mua về để bán chủ yếu là từ các hộ gia đình nấu thủ công. Thêm vào đó, mỗi hộ kinh doanh chỉ bán có vài chục lít rượu mà buộc phải xin thêm giấy phép kinh doanh mặt hàng này nên nhiều người sẽ ngại đi đăng ký…
Cần có thời gian thực hiện
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, việc bắt buộc đăng ký sản xuất, thực hiện gắn tem, nhãn mác... vào sản phẩm rượu trước khi đưa ra thị trường sẽ tốt cho cả cơ quan chức năng, người sản xuất và người tiêu dùng. Với người tiêu dùng, biết được nguồn gốc, xuất xứ của rượu nên sẽ yên tâm hơn khi sử dụng; cơ quan quản lý thì có “cái gậy” để quản lý chặt hơn; còn người sản xuất nếu làm ăn chân chính, sản phẩm có chất lượng thì sẽ được tín nhiệm, bán được nhiều hàng hơn…
Sở Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương thống kê các hộ nấu rượu ở địa phương mình để có kế hoạch triển khai cụ thể. Đến nay, các địa phương đã thống kê danh sách các hộ nấu rượu và Sở đang tiến hành các bước để tổ chức Hội nghị triển khai NĐ 94 đến các hộ nấu rượu trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường tuyên truyền về NĐ 94, để các hộ SXKD rượu nắm rõ và thực hiện.
Theo các chuyên gia về pháp luật, các cơ quan chức năng cần phải tính toán lộ trình triển khai NĐ 94 cho phù hợp, nhằm đạt mục đích quản lý được sản phẩm mà không gây phiền nhiễu và xáo trộn cuộc sống, sản xuất của người dân.
|