Chợ Tết Liêm Bình
21:34', 19/1/ 2013 (GMT+7)

Từ những ngày đầu tháng Chạp, không khí buôn bán tại chợ trái cây Liêm Bình (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) đã nhộn nhịp hẳn lên. Ðây là chợ đầu mối tiêu thụ, phân phối trái cây đi khắp nơi. Dưới ánh sáng đèn vàng nhạt và sương đêm ướt đẫm là những gương mặt rịn mồ hôi, những dáng người tất tả mưu sinh.

Vào mùa trái cây Tết

Tầm tảng sáng, chợ trái cây Liêm Bình đã bắt đầu nhộn nhịp với tiếng còi xe inh ỏi, tiếng động cơ ì ầm chậm rãi chọn lối vào chợ để chuẩn bị bốc hàng. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, hoạt động mua bán ở đây diễn ra rất nhanh chóng. Phần lớn chủ bán, người mua đã quen mặt, mua bán vừa ý và hàng đang “ăn” thì dặn tiếp lần sau. Ở chợ Liêm Bình khó tìm ra được cái cân, bởi đơn vị tính phổ biến là “lô”, “chục”, cứ thế bốc lên, khiêng đi, rồi tính tiền.

 

Chuối là mặt hàng chủ lực ở chợ Liêm Bình.

Mặt hàng chủ lực của chợ Liêm Bình là các loại chuối như chuối già hương, chuối chát, chuối mật, chuối sứ, chuối tiêu, cùng các sản phẩm thu từ cây chuối như bắp chuối, lá chuối. Ngoài ra, trong dịp Tết, từ nhu cầu thị trường, các loại mít, thơm, đu đủ cũng được gom về đây. Gần đây, ở chợ Liêm Bình cũng xuất hiện nhiều loại trái cây xứ khác như chôm chôm, nhãn, xoài cát, bưởi năm roi, mận tím…Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một bức tranh hoa quả phong phú, đa dạng, chẳng khác những chợ trái cây nơi miệt vườn Nam bộ.

Ông Trần Công Chính, Trưởng ban quản lý chợ trái cây Liêm Bình, tâm sự: “Chúng tôi được phân công làm công tác bảo vệ trật tự, thu phí vệ sinh ở đây. Bình thường, công việc khá nhẹ nhàng, nhưng thời điểm cuối năm tất bật lắm. Hằng đêm, thường là 1-2 giờ sáng, có đến vài chục xe chở chuối, đu đủ của bà con từ trên nguồn xuống. Khi đã vào chợ, họ cứ vô tư để đó đi ngủ, chúng tôi phải thức để bảo vệ hàng hóa. Thật lòng mà nói, phần lớn bà con đều nghèo, nếu thiếu tinh thần trách nhiệm, để thất thoát hàng hóa thì tội cho họ!”.

Trong cuộc mưu sinh

Mặc dù tiết trời tháng Chạp năm nay khá ẩm thấp, sương đêm dày đặc, nhưng mới chỉ hơn 4 giờ sáng, bà Lưu Thị Mùi, ở Mỹ Chánh, Phù Mỹ, đã có mặt tại chợ để chuẩn bị đón mua hàng. Năm nay đã 75 tuổi, nếu cuộc sống khấm khá, có lẽ giờ này bà đang nằm trong “chăn ấm, gối êm”. Vừa cẩn thận xếp những nải chuối rời vào giỏ, bà Mùi chậm rãi: “Đi miết rồi thành quen, hổng bỏ được. Hơn nữa, đồng tiền mình làm ra tuy không nhiều, nhưng cũng bớt đi gánh nặng cho con cháu”.

Cũng vào lúc sáng sớm, chị Nguyễn Thị Liêm, ở Tam Quan, Hoài Nhơn, cũng có mặt để thu gom và chất gọn gàng 8 tạ củ sả lên 2 xe ba-gác máy, chuyển về Tam Quan và Quảng Ngãi, giao cho các mối hàng. Chị bộc bạch: “Trước đây, tôi thường lên Tây Sơn thu mua sả, phải đi 2-3 ngày mới về, chi phí ăn uống, vận chuyển khá tốn kém. Từ khi có chợ nông sản này, tôi vào đây làm ăn đến nay đã gần 5 năm. Nguồn sả củ được người dân các xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Mỹ (Hoài Ân) chở về đây bán rất nhiều. Trung bình mỗi buổi chợ, riêng tôi mua của mối hàng quen từ 500-1.000kg”. 

Tất bật nhất trong dịp Tết này là chị Trần Thị Thảo. Chị thu mua toàn bộ số chuối của bà con 2 huyện Hoài Ân, An Lão chuyển xuống. Anh Lê Văn Mạnh, một người làm công cho chị Thảo, cho biết: “Ngày thường, tôi bốc chuối lên xe cho chị gửi ra Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, trung bình từ 400-500 buồng. Thời điểm này tăng lên gấp đôi, làm cật lực mới chạy việc, có lúc chúng tôi quên cả ăn luôn”.

Ngồi lót dạ vội vàng bát bánh canh trong sạp hàng rong bên ngoài chợ, chị Nguyễn Thị Tiển, một trong số hơn 10 chị em buôn chuối ở thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, bộc bạch: “Để chở được một xe chuối xuống cho kịp buổi chợ, chị em tôi phải đi từ 2 giờ sáng, đường đi chỗ lồi, chỗ trũng, mỗi chuyến bù qua đắp lại cũng kiếm được 150-200 ngàn đồng. Nhưng, khổ nhất là mùa mưa, nếu không cẩn thận bị té, ngã thì mất cả chì lẫn chài. Tết nhất đến nơi rồi, không chịu khó thì lấy gì lo cho gia đình, các con”.      

Chợ trái cây Liêm Bình đã giúp nhiều người dân có công ăn việc làm trong lúc nông nhàn. Chị Nguyễn Thị Vân, ở khối 4, thị trấn Bồng Sơn, tâm sự: “Từ khi có chợ, nông dân chúng tôi rất mừng. Ngoài đồng ruộng, nhiều người còn có thêm công việc hằng ngày tại chợ. Người gom trái cây cho các đầu nậu ở Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn; người chuyên làm công chọn lựa trái cây xếp vào giỏ; người bán hàng ăn, giải khát; người dọn dẹp vệ sinh sau họp chợ… Tính ra, thu nhập của chị em từ 60-100 ngàn đồng/ngày cũng là khoản kha khá trong thời điểm “gạo châu, củi quế” hiện nay”.

  • DIỆP BẢO SƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng chuyến, đưa 14 xe dự phòng vào phục vụ Tết  (19/01/2013)
Nhiều cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp sử dụng giống không rõ nguồn gốc  (19/01/2013)
Kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp khai thác titan không phép  (19/01/2013)
Rượu quê cũng phải có nhãn mác  (18/01/2013)
VN-Index giảm phiên cuối tuần, lui về 454,16 điểm  (18/01/2013)
Phù Mỹ vui mùa kiệu Tết  (18/01/2013)
Tây Nguyên chính thức có xã nông thôn mới đầu tiên  (18/01/2013)
Hội thảo sản xuất và cung ứng rau an toàn  (17/01/2013)
Hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn  (17/01/2013)
Năm 2013, ngành Thuế tỉnh phấn đấu thu ngân sách đạt 3.120 tỉ đồng  (17/01/2013)
Doanh số xuất khẩu của các DN thuộc FPA Bình Định giảm 13%  (17/01/2013)
Tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm  (17/01/2013)
Ngân hàng đua hút vốn bằng khuyến mại dự thưởng  (17/01/2013)
Ðảm bảo phương tiện, kiểm soát giá cước   (16/01/2013)
Trên 80.000 lượt người tham quan, mua sắm   (16/01/2013)