Những ngày này, không khí lao động của các cơ sở làm bánh tráng ở xã Bình Thành (Tây Sơn) trở nên sôi động và tất bật hơn. Cơ sở nào cũng tập trung nhân lực làm hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ sắp tới.
Xã Bình Thành hiện có trên 50 hộ làm nghề tráng bánh, trong đó có 4 cơ sở tráng bánh bằng máy, còn lại đều làm thủ công. Những cơ sở tráng bánh thủ công mỗi ngày làm khoảng 15-20 kg gạo, còn tráng bằng máy thì gầp 5 lần. Tháng Chạp này, bánh tráng được tiêu thụ khá mạnh. Bánh làm ra bao nhiêu, các tư thương đều đến gom để bỏ các đầu mối hết bấy nhiêu.
Bà Trần Thị Tiệm, ở thôn Kiên Long, gắn bó với nghề tráng bánh đã 40 năm, cho biết: “Đây là việc làm lúc nông nhàn, thu nhập cũng đủ để trang trải đời sống hàng ngày. Vì vậy, ngoài làm ruộng và chăn nuôi, gia đình tôi còn duy trì nghề tráng bánh gạo”. Để tăng thu nhập cho gia đình, 3 năm trước, gia đình bà Tiệm gom góp vốn liếng đầu tư trên 80 triệu đồng mua sắm máy móc, phên vỉ để tráng bánh. Mùa bánh Tết này, bà Tiệm thuê thêm 2 nhân công nữa, tổng cộng là 6 người, để làm cho kịp bán. Mỗi ngày, nhà bà Tiệm sản xuất 5.000 - 6.000 bánh, doanh thu trên 2 triệu đồng, lãi khoảng 500 ngàn đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lễ, ở thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành, gia đình ông có nghề tráng bánh từ lâu đời vì thu nhập từ cây lúa không đủ trang trải cuộc sống. Trước đây, khi chưa có máy móc, gia đình ông làm hết sức cũng chỉ được hơn 1.000 chiếc bánh/ngày. Từ khi mua máy tráng bánh, mỗi ngày tráng được 4.000 bánh vuông. Nhờ có bạn hàng ở Gia Lai nên ngày nào cơ sở của ông cũng tiêu thụ hết hàng. “Để chuẩn bị phục vụ cho khách hàng trong dịp Tết sắp đến, hiện cơ sở của tôi đang tranh thủ làm thêm mỗi ngày 1.000 - 2.000 bánh nữa” - ông Lễ cho biết.
Tuy thu nhập không cao nhưng nghề tráng bánh đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trong xã Bình Thành. Như vậy, với nghề làm bánh tráng, người dân giữ được nghề truyền thống và chính nghề truyền thống cũng đã góp phần rất hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
|