Thành lập tổ tự quản cộng đồng đầm Đề Gi:
Góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản
7:19', 20/1/ 2013 (GMT+7)

Ngày 17.1.2013, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) tỉnh đã phối hợp với UBND xã Cát Minh tổ chức ra mắt tổ tự quản cộng đồng quản lý khai thác thủy sản (KTTS) đầm Ðề Gi, nhằm góp phần quản lý KTTS  theo hướng bền vững ở vùng đầm này. Tổ tự quản gồm 12 thành viên, là những ngư dân có uy tín ở địa phương.

Khai thác theo kiểu hủy diệt

Đầm Đề Gi (còn có tên là đầm Đạm Thủy) rộng trên 2.000 ha, nằm trên địa bàn xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ), có NLTS phong phú và đa dạng, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân sống quanh đầm và là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống cho nhân dân các xã lân cận.

 

Ra mắt tổ tự quản cộng đồng bảo vệ - khai thác thủy sản đầm Đề Gi.

Tuy  nhiên, trong thời gian qua, việc KTTS trên đầm Đề Gi còn nhiều bất cập, hoạt động KTTS của một số hộ ngư dân chưa thích hợp như dùng xung điện, xiếc máy (XĐXM), giã cào… khai thác theo kiểu tận thu, hủy diệt NLTS. Ngoài khơi thì có các thuyền XĐXM ngày đêm cày ủi, càn quét không chừa bất cứ giống loài thủy sản nào. Gần bờ thì người ta dùng xung điện loại nhỏ để khai thác liên tục. Do đó, NLTS đầm Đề Gi ngày càng cạn kiệt, các loài tôm, cua, cá, ghẹ… và nhiều loài động vật thân mềm khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Diện tích đầm Đề Gi trên địa bàn xã Cát Minh khá lớn, cũng là nơi đang tồn tại tình trạng dùng XĐXM để KTTS trên đầm nhiều nhất, với trên dưới 40 ghe thuyền hành nghề trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng, các hội-đoàn thể đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các hộ này chuyển nghề, thậm chí cưỡng chế, nhưng xem ra tệ nạn này không được đẩy lùi. Nhiều chủ phương tiện XĐXM không chấp hành pháp luật, vẫn ngang nhiên hành nghề trái phép, ngày đêm hủy diệt NLTS trên đầm.

Tăng cường bảo vệ NLTS đầm Đề Gi

Để góp phần bảo vệ NLTS đầm Đề Gi, năm 2012, Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS tỉnh đã xây dựng mô hình quản lý 2 bãi giống trên đầm ở cồn Xà Lảng (thuộc xã Mỹ Chánh) có diện tích 21 ha, là bãi giống của các loài thủy sản như hàu, xìa, sò huyết, cá mú…, và cồn Ghẹ, rộng 25 ha (thuộc xã Cát Khánh), là bãi giống của các loại cua, ghẹ, cá chua… Đồng thời, Chi cục cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven đầm thành lập các tổ tự quản cộng đồng quản lý KTTS bền vững trên đầm tại 3 xã: Cát Chánh, Cát Khánh và Cát Minh, nhằm bảo tồn nguồn giống thủy sản quý và giảm thiểu việc khai thác hủy diệt trong khu vực đầm, với sự tham gia của cộng đồng.

Tổ tự quản cộng đồng KTTS bền vững đầm Đề Gi ở xã Cát Minh là tổ thứ 3 được thành lập và hoạt động, gồm có 12 thành viên, bao gồm các ngư dân có uy tín ở địa phương, do Phó chủ tịch UBND xã Cát Minh làm tổ trưởng, sẽ góp phần cùng với các tổ tự quản cộng đồng ở xã Cát Khánh và xã Mỹ Chánh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ NLTS trên đầm  theo hướng khai thác bền vững, tránh nguy cơ hủy diệt các giống loài thủy sản trong đầm.

 
Phương tiện xung điện, xiếc máy hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên đầm Đề Gi.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: Yêu cầu cấp thiết phải thành lập tổ tự quản cộng đồng bảo vệ và KTTS bền vững trên đầm, nhằm giúp cho địa phương hạn chế tình trạng KTTS bừa bãi, khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, không đúng quy định của Nhà nước, làm cạn kiệt NLTS  trên đầm Đề Gi. Chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ về mọi mặt, như đầu tư kinh phí, đề ra nội dung hoạt động nhằm bảo đảm NLTS trên đầm ngày càng phát triển.

Tổ đã đưa ra Quy ước cộng đồng KTTS bền vững ở vùng đầm. Theo đó, tổ tự quản cộng đồng có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi khai thác, sử dụng công cụ khai thác như công cụ kích điện, xiếc máy, giã cào, xiếc bộ, dùng hóa chất hoặc chất độc để đánh bắt thủy sản; không sử dụng ngư lưới cụ có kích thước mắt lưới dưới 28mm, đáy hàng cạn, đáy cửa sông, te, xiệp, xích nhỏ 18mm, các loại lưới lồng, lưới quét, lưới xiếc, lưới cào nghêu; không sử dụng tàu khai thác có công suất từ 20 CV trở lên…

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, thực hiện theo quy hoạch vùng nuôi, thời vụ nuôi trồng; không lấp bãi đắp đìa, cắm đăng chắn khi chưa có sự cho phép của cấp có thẩm quyền; nuôi trồng phải bảo đảm nguồn giống có chất lượng, không du nhập các loài thủy sản mới, lạ; thực hiện bảo vệ môi trường nguồn nước và hệ sinh thái trên đầm.

Để hoạt động của tổ được thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực, ông Trần Kim Dương, Chi cục phó Chi cục Khai thác - Bảo vệ NLTS tỉnh, cho biết: Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và tổ tự quản xây dựng kế hoạch hoạt động, trước mắt là trong năm 2013 này; đồng thời tổ chức tập huấn cho các thành viên tổ tự quản, cán bộ xã làm công tác bảo vệ NLTS về những quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ NLTS. Tập trung tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân chấp hành pháp luật về KTTS, ủng hộ hoạt động của tổ tự quản, và bố trí kinh phí trong khả năng cho phép để tổ tự quản duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động. Mặt khác, Chi cục sẽ phối hợp với tổ tự quản tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Đây cũng là biện pháp để góp phần răn đe việc sử dụng các nghề cấm, mà nhất là sử dụng XĐXM hủy diệt NLTS đầm đề Gi.

Có thể thấy rằng, việc thành lập các tổ tự quản cộng đồng KTTS bền vững, đưa các tổ này đi vào hoạt động thường xuyên, hiệu quả, là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng hủy diệt NLTS đầm Đề Gi, tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái vùng đầm, bảo vệ và phát triển các giống loài thủy sản quý trên đầm như đã có từ bao đời nay.

  • Bài và ảnh: HOÀI TRUNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chạy đua vào Tết  (19/01/2013)
Chợ Tết Liêm Bình  (19/01/2013)
Tăng chuyến, đưa 14 xe dự phòng vào phục vụ Tết  (19/01/2013)
Nhiều cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp sử dụng giống không rõ nguồn gốc  (19/01/2013)
Kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp khai thác titan không phép  (19/01/2013)
Rượu quê cũng phải có nhãn mác  (18/01/2013)
VN-Index giảm phiên cuối tuần, lui về 454,16 điểm  (18/01/2013)
Phù Mỹ vui mùa kiệu Tết  (18/01/2013)
Tây Nguyên chính thức có xã nông thôn mới đầu tiên  (18/01/2013)
Hội thảo sản xuất và cung ứng rau an toàn  (17/01/2013)
Hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn  (17/01/2013)
Năm 2013, ngành Thuế tỉnh phấn đấu thu ngân sách đạt 3.120 tỉ đồng  (17/01/2013)
Doanh số xuất khẩu của các DN thuộc FPA Bình Định giảm 13%  (17/01/2013)
Tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm  (17/01/2013)
Ngân hàng đua hút vốn bằng khuyến mại dự thưởng  (17/01/2013)