Phát triển sản xuất công nghiệp năm 2013:
Tập trung vào những ngành có lợi thế
20:29', 25/1/ 2013 (GMT+7)

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã chỉ đạo Sở Công Thương rà soát lại quy hoạch, nhất là những ngành công nghiệp (CN) mà tỉnh đang có lợi thế, để có chính sách phát triển phù hợp và hiệu quả hơn.

Mục tiêu trước mắt

Năm 2012, ngành Công Thương tỉnh thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt 8.056 tỉ đồng, tăng 8,1%. Có được kết quả này là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các ngành CN mà tỉnh đang có lợi thế, như may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản xuất khẩu… Năm 2013, ngành Công Thương tỉnh tiếp tục chọn các ngành CN thế mạnh này làm khâu đột phá, để thực hiện mục tiêu nâng giá trị SXCN toàn tỉnh lên 8.860 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2012.

 

May mặc là ngành công nghiệp có nhiều lợi thế và phát triển mạnh trong thời gian qua.

- Trong ảnh: Một góc phân xưởng may của Công ty cổ phần May Hoài Nhơn.

Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Việc tập trung phát triển các ngành CN đang có lợi thế sẽ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển CN một cách bền vững. Cụ thể, đối với ngành may mặc, năm 2012 đã thực hiện kim ngạch xuất khẩu gần 28 triệu USD, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2011, mục tiêu đến năm 2015 sẽ tăng trưởng gấp đôi so với hiện nay. Ông Lê Quang Lương, Giám đốc Nhà máy May Phù Mỹ, cho biết: Để phát triển ổn định, trong thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng sản xuất, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư chiều sâu. Cụ thể, sẽ chuyển dịch sản xuất từ đơn hàng có giá trị thấp và trung bình sang đơn hàng có giá trị cao; tập trung nâng cao tỉ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng).               

Chế biến thức ăn chăn nuôi ở tỉnh ta cũng là ngành có sự tăng trưởng khá ấn tượng, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2012 là 56,7%/năm. Tỉnh ta có nhiều điều kiện để phát triển mạnh ngành chế biến thức ăn chăn nuôi nhờ vào những lợi thế như nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận cũng rất phong phú, với trữ lượng lớn; nhu cầu thị trường thức ăn chăn nuôi ở tỉnh ta cũng như khu vực còn khá lớn… Với những lợi thế này, mục tiêu đề ra đến năm 2015 ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trở thành ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh.

Đối với ngành chế biến thủy sản, các năm qua cũng có sự phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 15%/năm. Để tiếp tục phát triển, trong giai đoạn 2013-2015, ngành này sẽ phát huy hết 100% công suất của các nhà máy hiện có; đầu tư xây dựng mới một số nhà máy chế biến thủy sản ở huyện Phù Cát và Hoài Nhơn với tổng công suất 5.000-6.000 tấn/năm và 1 nhà máy ở Quy Nhơn với công suất khoảng 4.000 tấn/năm.

Định hướng lâu dài

Ngày 24.1, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhận định: Một số ngành CN thế mạnh của tỉnh Bình Định hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ (CNHT) song hành, nên đã gặp phải những trở ngại nhất định. Để ngành CN phát triển ổn định, tỉnh Bình Định cần coi trọng công tác quy hoạch và triển khai nhiều giải pháp để kích thích phát triển CNHT, nhằm tạo điều kiện cho các ngành CN thế mạnh thực hiện những bước đi đột phá. Bởi lẽ, ngoài tạo ra giá trị sản xuất CN tăng cao, việc phát triển CNHT còn là điều kiện để thu hút đầu tư.

Theo đánh giá của Đoàn công tác Bộ Công Thương, tỉnh ta có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển CNHT. Thứ nhất, nó tương thích với loại hình DN vừa và nhỏ, vì DN Bình Định đa phần là vừa và nhỏ. Thứ hai, CNHT linh hoạt, dễ ứng phó với những biến đổi tình hình vì quy mô sản xuất không lớn, công nghệ sản xuất nhiều sản phẩm cũng không đòi hỏi cao như một số lĩnh vực khác. Thứ ba, hiện nay Bình Định đang đứng trước bài toán giữa áp dụng công nghệ tiên tiến với giải quyết lao động, trong khi CNHT cũng có một số khâu vẫn sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, do quy mô ngành CN của Bình Định còn nhỏ, nên việc phát triển CNHT cần xây dựng trên cơ sở tính toán nhu cầu, khả năng phát triển không chỉ của riêng CN tỉnh mà của cả vùng, cả nước và quốc tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, cần tập trung vào việc nâng cao nhu cầu sản phẩm hỗ trợ trong tỉnh, đồng thời xây dựng năng lực cung ứng các sản phẩm hỗ trợ cho các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, để thúc đẩy CNHT phát triển, tỉnh Bình Định cần có cơ chế để mời gọi đầu tư. Về những chính sách ưu đãi, các dự án CNHT sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Các dự án cũng sẽ được ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất, giá thuê đất thích hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần linh hoạt thực hiện các ưu đãi dựa trên tinh thần hợp tác phát triển ổn định, lâu dài giữa tỉnh và các DN đầu tư.

Tuy nhiên, để có thể phát triển hiệu quả các ngành CNHT theo yêu cầu là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và các DN trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực rất nhiều. Và ngay bây giờ, tỉnh ta cần đưa ra những chính sách để ưu tiên phát triển CNHT, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An”  (25/01/2013)
VN-Index tăng vọt phiên cuối tuần tiến sát mức 470 điểm  (25/01/2013)
“Ngân hàng” của nông dân nghèo  (25/01/2013)
Giãn tăng viện phí, học phí, nước sạch  (25/01/2013)
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất  (24/01/2013)
Liên kết xúc tiến thương mại để cùng phát triển  (24/01/2013)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc tại Bình Định  (24/01/2013)
Triển khai nhiệm vụ năm 2013  (24/01/2013)
CPI tháng 1 tăng 1,25%  (24/01/2013)
Quản lý hiệu quả, hỗ trợ tốt khách hàng  (23/01/2013)
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm Công nghiệp Bồng Sơn   (23/01/2013)
Tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp  (23/01/2013)
Ngành Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2013  (23/01/2013)
Hoài Nhơn: Phấn đấu trong năm 2013 có xã đầu tiên hoàn thành 15 tiêu chí nông thôn mới  (23/01/2013)
Năm 2013, phấn đấu đưa nguồn huy động tăng 20%  (23/01/2013)