Tiến tới xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định:
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác
21:39', 30/1/ 2013 (GMT+7)

Bình Định là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề khai thác cá ngừ đại dương (KTCNĐD). Tuy vậy, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân còn hạn chế, cùng với một số yếu tố khác đã làm ảnh hưởng đến chất lượng CNĐD. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Nguyễn Hải Bình - Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi và môi trường thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh) về giải pháp nâng cao hiệu quả nghề KTCNĐD.

* Bà có thể cho biết khái quát về nghề KTCNĐD của ngư dân Bình Định?

- Tỉnh ta hiện có 7.588 tàu cá với tổng công suất 788.520 CV, trong đó có khoảng 1.900 tàu/19.000 lao động thường xuyên hoạt động KTCNĐD với 3 nghề chính: nghề câu vàng, nghề câu tay có sử dụng ánh sáng và nghề vây khơi, khai thác các loại: cá ngừ vàng vây, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và cá ngừ sọc dưa.

 

Ngư dân Bình Định bán cá ngừ đại dương cho các cơ sở thu mua, chế biến.

Trước đây, nghề KTCNĐD của ngư dân tỉnh ta diễn ra chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, còn nay ngư dân đánh bắt quanh năm. Thông thường, những tháng đầu mùa (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau), ngư dân tỉnh ta tập trung khai thác cá ngừ ở vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa; thời điểm giữa mùa (từ tháng 4 đến tháng 6) ngư dân tập trung đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và vùng biển các tỉnh miền Trung; thời gian cuối mùa (từ tháng 7 đến tháng 11), ngư dân khai thác cá chủ yếu ở vùng biển Nam Trường Sa và Nam biển Đông.

Nhờ đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, bám biển khai thác dài ngày ở những vùng khơi xa, nên sản lượng CNĐD của ngư dân tỉnh ta đạt khá cao. Riêng năm 2012, ngư dân tỉnh ta đã khai thác được 9.386 tấn CNĐD,  tăng 26% so với năm trước. Năm 2012 được xem là năm “ăn nên làm ra” của ngư dân KTCNĐD khi đầu ra sản phẩm ổn định, giá khá cao, nên bà con rất phấn khởi.

* Còn về chất lượng sản phẩm đánh bắt và hoạt động thu mua, chế biến CNĐD ở tỉnh ta, thưa bà?

- Thực tế cho thấy, sản lượng CNĐD của tỉnh ta khá lớn, nhưng chất lượng sản phẩm không như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là khâu bảo quản sản phẩm của ngư dân còn hạn chế. Hiện hệ thống hầm bảo quản trên tàu cá của ngư dân chủ yếu làm bằng gỗ lót xốp cách nhiệt, mức độ giữ lạnh cho cá sau khi đánh bắt bị hạn chế, đặc biệt là đối với tàu hoạt động dài ngày. Dụng cụ xử lý sơ chế cá cũng chưa thật sự đảm bảo về mặt vệ sinh; chất lượng nước đá chưa được bảo đảm. Ngoài ra, do hệ thống kho lạnh tại các bến cảng chưa có hoặc còn thiếu, nên việc thao tác bốc dỡ cá từ tàu đưa vào kho để phân loại của các cơ sở thu mua còn kéo dài, gặp thời tiết nắng nóng làm cho cá giải nhiệt, không được giữ lạnh liên tục... khiến chất lượng cá bị giảm.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã tập huấn hướng dẫn ngư dân áp dụng quy trình bảo quản sản phẩm sau khi khai thác. Cụ thể, sau khi đánh bắt được cá ngừ thì giết cá ngay, lấy nội tạng, xả máu và ngâm cá với nước biển lạnh (nước biển và đá) để cá lạnh từ từ rồi mới bỏ nước đá vào bụng cá. Chúng tôi cũng đã xây dựng mô hình cải tiến hầm cá nhằm mục đích giúp ngư dân bảo quản sản phẩm tốt hơn, song chưa được ngư dân áp dụng rộng rãi. Bà con cho rằng, sau khi áp dụng quy trình bảo quản sản phẩm sau khai thác và cải tiến hầm chứa cá, chất lượng sản phẩm cao hơn thấy rõ, nhưng chi phí đầu vào tăng, trong khi sản phẩm cùng loại đều được các cơ sở thu mua với giá tương đương, ít nhiều đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân, nên bà con không áp dụng cũng là điều dễ hiểu.

Đối với hoạt động thu mua và chế biến CNĐD, tỉnh ta hiện có 19 cơ sở thu mua và chế biến, chủ yếu tại TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Trong đó, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định là đơn vị duy nhất tham gia thu mua và chế biến sản phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to dưới dạng cấp đông để xuất khẩu, với công suất khoảng 35-40 tấn/ngày. Hầu hết các cơ sở thu mua CNĐD ở tỉnh ta đều là vệ tinh của các doanh nghiệp (DN) ở Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Đầu ra và giá sản phẩm cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào các cơ sở thu mua này. Thực tế cho thấy, các cơ sở thu mua CNĐD chưa thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nên ít nhiều đã tác động đến việc quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm của ngư dân.

* Theo bà, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng sản phẩm CNĐD, tiến tới xây dựng thương hiệu CNĐD Bình Định? 

- Để nâng cao chất lượng sản phẩm CNĐD, cần có sự đồng thuận giữa Nhà nước, ngư dân và DN. Đối với ngư dân, bà con cần phải đầu tư trang thiết bị, hầm bảo quản và cải tiến khâu xử lý, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. DN cần gắn kết với ngư dân trong việc khuyến khích bà con nâng cao chất lượng CNĐD, lấy chất lượng làm mục tiêu kinh doanh và là yếu tố tăng lợi nhuận cho cả ngư dân và DN. Đồng thời, DN cần căn cứ chất lượng thực tế để đưa ra giá mua thích hợp, tăng cường sự hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, tạo sức mạnh trong kinh doanh. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay, để ngư dân không chịu sự ràng buộc trong việc vay vốn trả lãi suất cao, hoặc ứng vốn và trả lại sản phẩm cho DN với giá thấp. Bên cạnh đó, phải tổ chức đào tạo và tập huấn cho ngư dân phương pháp đánh bắt, xử lý, sơ chế và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Xây dựng trung tâm giao dịch, mua bán và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm từ tàu vào hệ thống kho lạnh được nhanh chóng, hạn chế tối đa sự giải nhiệt làm ảnh hưởng đến chất lượng CNĐD.

Theo chúng tôi, thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng CNĐD, tăng giá trị sản lượng, tăng hiệu quả chuyến biển và tăng thu nhập cho bà con ngư dân. Qua đó, nâng cao uy tín và phát triển thương hiệu CNĐD của Bình Định trên thị trường trong và ngoài nước.

* Xin cảm ơn bà!

  • PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp các nhà đầu tư nước ngoài đến chúc Tết  (30/01/2013)
Tổng kết Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012  (30/01/2013)
Có chuyển biến nhưng chưa đồng đều  (30/01/2013)
Hoài Hương: Nỗ lực trở thành xã nông thôn mới điển hình  (29/01/2013)
Chăm hoa chờ Tết  (29/01/2013)
Vân Canh: Mùa chuối Tết kém vui  (29/01/2013)
Nâng cấp sàn giao dịch chuyên ngành đồ gỗ Bình Định  (29/01/2013)
Khởi động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2012 - 2013)  (28/01/2013)
Tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư  (28/01/2013)
Các chỉ số đồng loạt tăng mạnh, giao dịch ở mức cao   (28/01/2013)
Thị trường bánh mứt Tết nhộn nhịp vào mùa  (28/01/2013)
Giảm 50% tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế đến năm 2014  (28/01/2013)
Vàng trang sức xin giảm thuế xuất khẩu  (28/01/2013)
Phù Mỹ nhộn nhịp mùa ớt  (27/01/2013)
Phát huy phong trào hiến đất mở đường  (27/01/2013)