Dù vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) 2012-2013 chưa kết thúc, nhưng tại các hồ chứa, mực nước đã xuống rất thấp, một số hồ đã bắt đầu cạn, nhiều loại sâu bệnh đã phát sinh gây hại cây trồng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo vệ cây trồng vụ ĐX 2012-2013, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu (HT) năm 2013.
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo Sở NN-PTNT, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ ĐX và vụ HT sẽ rất căng thẳng. Hiện lượng nước ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 275/572 triệu m3, đạt 48% tổng dung tích thiết kế, trong đó lượng nước tại các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 41,5 triệu m3, đạt 36% dung tích thiết kế. Lượng nước hiện có chỉ có thể cung cấp cho 40.319/45.291 ha lúa ĐX 2012-2013. Dự báo lượng mưa trong tháng 3 và 4 thấp, tình trạng thiếu nước tưới vụ ĐX sẽ nghiêm trọng hơn. Tổng diện tích lúa bị hạn ở cuối vụ ĐX khoảng 4.972 ha, trong đó, huyện Phù Cát có 1.200 ha lúa bị hạn, chiếm 16% diện tích gieo sạ; Phù Mỹ 930 ha - 14%; Hoài Nhơn trên 1.000 ha - chiếm 17%; Hoài Ân 650 ha - 15%...
|
Nông dân huyện Hoài Ân diệt chuột, bảo vệ lúa ĐX 2012-2013. |
Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), trên diện tích lúa, hiện có một số đối tượng sâu bệnh chính đang phát sinh cục bộ trên đồng ruộng một số địa phương, có khả năng gây hại trong diện rộng, gồm: chuột, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu keo và một số đối tượng sâu bệnh khác như bọ trĩ, bệnh vàng lá sinh lý… Dự báo, trên diện tích lúa ĐX đại trà sẽ tiếp tục bị chuột cắn phá; thời tiết âm u kéo dài cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh đạo ôn lá, rầy nâu-rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại tập trung trên các giống lúa như: IR 13-2, BC 15, ĐV108, các giống nếp… tại hầu hết các địa phương.
Trong chăn nuôi, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán có nền nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm tái phát. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật tăng cao trong những ngày giáp Tết. Thị trường tiêu thụ thoáng hơn sẽ dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua-bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, việc kiểm tra, kiểm soát sẽ gặp khó khăn. Điều đáng lo ngại là phần lớn các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng các điểm giết mổ động vật tập trung; có nơi đã xây dựng xong nhưng sớm bị đóng cửa vì không có khách hàng. Tình trạng mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y đang diễn ra khá phổ biến và rất dễ lây lan dịch bệnh.
Sang vụ HT, nguồn nước phục vụ sản xuất sẽ căng thẳng hơn. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp tỉnh, kết thúc vụ ĐX, lượng nước của các hồ chứa trong tỉnh chỉ còn khoảng 167/575 triệu m3, khoảng 28% dung tích thiết kế. Nhiều hồ chứa nước tại các địa phương sẽ không còn nước phục vụ sản xuất, trên 8.700 ha cây trồng tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước bị thiếu hụt nguồn nước tưới. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng sẽ xảy ra.
Tăng cường bảo vệ sản xuất
Tại Hội nghị nói trên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Công tác bảo vệ cây trồng, vật nuôi đã và đang được ngành Nông nghiệp triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, Chi cục BVTV tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng; phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã triển khai thực hiện mô hình diệt chuột bằng thuốc Biorat trên diện tích 5.600 ha tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chi cục Thú y tăng cường công tác tiêm phòng bổ sung vắc-xin lở mồm long móng cho trâu, bò, heo giống và vắc-xin dịch tả heo; tăng cường lực lượng kiểm dịch, kiểm soát tình hình giết mổ động vật, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan. Sở NN-PTNT cũng đã thành lập đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh cây trồng và phân bón trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh đã phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo và các tổ công tác bám sát cơ sở, phối hợp với ngành chức năng của các huyện, thành phố để chỉ đạo sản xuất, tăng cường bảo vệ cây trồng, vật nuôi”.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, để hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra, cần đẩy lịch thời vụ gieo sạ vụ HT sớm hơn các năm trước; khoanh vùng, mở rộng diện tích chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa phù hợp với từng điều kiện cụ thể; kiên quyết không để nông dân tự phát gieo sạ ở những vùng không đảm bảo nước tưới. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra nguồn nước tưới, xây dựng kế hoạch, lịch tưới phù hợp cho từng vùng cụ thể.
Theo ngành chức năng và các địa phương, trong tình hình thiếu nước tưới, cần phải thực hiện đồng bộ quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện quyết liệt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại giống cây-con phù hợp và hướng dẫn nông dân áp dụng tốt quy trình đầu tư, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề nghị UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cạn; hỗ trợ kinh phí chống hạn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, đảm bảo thắng lợi vụ ĐX 2012-2013. Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương cần tập trung kiểm tra, giám sát tình hình giết mổ, buôn bán động vật; hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm và phòng chống rét cho vật nuôi. Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tính toán xây dựng kế hoạch cụ thể về lịch thời vụ, giống cây trồng, biện pháp tưới… cho vụ sản xuất HT. Các địa phương phải chủ động quy hoạch vùng sản xuất, vùng chuyển đổi và chỉ đạo thực hiện quyết liệt chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng của tỉnh. UBND tỉnh sẽ sớm ban hành chính sách hỗ trợ giống cây trồng và hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chống hạn. UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng phải trích ngân sách địa phương để phục vụ hoạt động chống hạn…
|