Nhờ được hướng dẫn chọn lọc giống cây trồng tốt, bố trí mùa vụ hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nông dân trong tỉnh đã từng bước hình thành những cánh đồng cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/năm.
Đem lại những mùa vàng
Điều dễ nhận thấy nhất trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở tỉnh ta là việc đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay cho các giống cũ bị thoái hóa, để tăng năng suất, sản lượng, giữ ổn định an ninh lương thực và có sản phẩm hàng hóa. Đến nay, tỉ lệ sử dụng giống lúa cấp 1 trên đồng ruộng chiếm gần 100% diện tích. Nhiều bộ giống mới như lúa lai Nhị Ưu 838, TBR-1, TH3-3, BC 15, Q5, ĐV 108, ML 202, ML 214, OM 1490… được đưa vào sản xuất đại trà, cho năng suất lúa bình quân 60-80 tạ/ha, tăng 5-7 tạ/ha so với các giống cũ.
|
Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại xã Phước Sơn (Tuy Phước). |
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHKT trong SXNN, như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “5 giảm, 3 tăng” nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra. Đặc biệt, việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm hàng hóa…
Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã tạo điều kiện phát triển các dịch vụ nông nghiệp như làm đất bằng máy, gieo sạ bằng máy sạ hàng, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp..., giải phóng sức lao động. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa giống mới vào sản xuất đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân.
Và những cánh đồng… trăm triệu
Sau nhiều năm lẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nông dân trong tỉnh đã bắt đầu có những tính toán khoa học hơn trong sản xuất và nhìn nhận về thị trường tiêu thụ. Sự hợp tác bước đầu của 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh) cũng đã góp phần tăng hiệu quả SXNN. Đến nay, các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến nông sản như mía, mì, cây lâm nghiệp… đã phát triển mạnh, vùng nguyên liệu mía gần 3.000 ha, vùng nguyên liệu mì gần 4.400 ha tại các huyện như Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh…
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào SXNN ở tỉnh ta đã mang lại những kết quả rất ấn tượng. Sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2012 thắng lợi tương đối toàn diện, giá trị sản xuất cả năm ước đạt 5.531,5 tỉ đồng, tăng 5,41% so với năm 2011. Năng suất lúa bình quân năm 2012 trên 58,6 tạ/ha, tăng 1,4%; sản lượng 651.828 tấn, tăng 0,4% so với năm 2011. |
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Sở NN-PTNT luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa các giống cây trồng mới có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến cáo người dân chỉ nên trồng những loại cây trồng có đầu ra ổn định… Nhờ đó, đầu ra nông sản đã chuyển biến tích cực, nông dân có nguồn thu nhập đáng kể từ nông sản mình làm ra…”.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 210 cánh đồng đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm với diện tích canh tác 5.300 ha. Qua đó, đã xác định được 16 công thức luân canh, xen canh và mùa vụ khác nhau trên 15 loại cây trồng triển khai tại hầu hết các địa phương. Xã Cát Hải (Phù Cát) xây dựng cánh đồng 340 ha trồng hành 2 vụ/năm cho thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/năm. Xã Cát Tài (Phù Cát) thực hiện cánh đồng trên 600 ha trồng đậu phụng - dưa leo - bắp lai hoặc đậu phụng xen ớt cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/năm. Xã Tây Giang (Tây Sơn) chuyển 300 ha đất lúa sang trồng màu theo công thức đậu phụng - dưa leo- khổ qua cho thu nhập 225 triệu đồng/ha/năm…
Chuyển biến lớn nhất, theo các chuyên gia nông nghiệp, là nông dân đã ý thức được việc liên kết để sản xuất hàng hóa số lượng lớn nhằm vươn đến những thị trường xa, để có điều kiện thâm canh, tăng giá trị sản xuất và tiến tới ổn định chất lượng nông sản, tạo đầu ra được thuận lợi hơn.
|