Nạn khai thác cát trái phép, trái quy hoạch đã diễn ra tràn lan trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Trong khi đó, công tác quy hoạch, cấp phép và quản lý còn nhiều điểm chưa hợp lý. Vì thế nhiều con sông ở tỉnh ta bị biến dạng, gây ra nhiều hiểm họa bất thường.
Sông Côn là con sông lớn nhất Bình Định. Những năm gần đây, vùng hạ lưu sông Côn bị biến thành những công trường khai thác cát hoạt động huyên náo cả ngày lẫn đêm. Quan ngại nhất, nhiều đoạn sông chảy qua địa phận các xã Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn), đang bị cày xới rầm rộ, khiến lòng sông luôn trong tình cảnh bị trơ đáy. Không chỉ thế, việc khai thác cát tràn lan đã phá vỡ cấu trúc phân tầng; làm sạt lở nhiều bờ bãi, thay đổi dòng chảy, thay đổi môi trường sống, khiến nguồn lợi thủy sản như cá, tôm, cua… trên con sông ngày càng bị kiệt quệ.
|
Tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Côn gây ra nhiều hiểm họa bất thường. |
Lại Giang là con sông lớn thứ hai trong tỉnh. Hình ảnh những dòng sông chở nặng phù sa, cái thuở “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” theo đường sông, như trong ca dao chỉ còn là hoài niệm của những bậc cao niên. Những năm gần đây, con sông Lại cũng luôn rơi vào tình cảnh bị con người khoét đục lòng sông và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Tương tự, con sông Hà Thanh cũng bị nạn khai thác cát khuấy đảo ngót nghét hơn chục năm nay. Nước sông trở nên đục ngầu, lòng sông bị khoét rộng, cộng thêm tiếng máy móc, xe tải gầm rú cả ngày lẫn đêm khiến cho con sông ngày càng không yên ả.
Đáng báo động là tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan trên con sông chảy qua địa phận xã Canh Vinh, Canh Hiển (huyện Vân Canh) đã khiến hàng chục héc ta đất đai, vườn tược bà con liên tục bị sạt lở; nhiều bờ sông bị rỗng toác chân đê. Dưới lòng sông, lại xuất hiện nhiều mô đất, nhiều ao sâu nằm ngổn ngang, tạo nên những cái bẫy ngầm nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn đuối nước cho trẻ em trong vùng.
Ông Trần Văn Bài - Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho rằng: “Trước khi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát thực tế, rà soát kỹ càng để tránh những hệ quả xấu xảy ra trước, trong và sau quá trình khai thác. Nhưng dù có nghiên cứu tỉ mỉ đến đâu chăng nữa, việc khai thác cát cũng để lại nhiều hệ lụy xấu như sạt lở, dòng chảy bị thay đổi… ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân”.
Thực tế, việc quy hoạch lại tự nhiên để phục vụ lại đời sống con người là một việc làm đúng; nhưng rõ ràng, đã có không ít công trình bến, bãi khai thác cát được quy hoạch, cấp phép theo kiểu “mì ăn liền”, nên chúng ta đang dần phải trả giá đắt, mà cụ thể nhất là nạn thiên tai bão, lũ; hạn hán diễn biến ngày càng thịnh nộ, các con sông ngày càng trở nên hung dữ hơn. Ví như, hiện nay ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào việc nạo vét, khai thông dòng chảy hòng cứu vớt hàng ngàn ha lúa vụ mùa Đông Xuân 2012- 2013 đang đứng trước nguy cơ chết “khát” vì thiếu nước.
|