|
Anh Từ Mộng Long kiểm tra rắn hổ trâu. |
Trong những ngày giáp Tết Quý Tỵ, chúng tôi đã đến thăm trại nuôi rắn hổ trâu của anh Từ Mộng Long, ở thôn Trường Định 1, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn.
Anh Long cho biết, loại rắn anh đang nuôi là rắn hổ trâu, thuộc họ rắn nước, còn có tên là rắn hổ hèo, rắn hổ vằn, rắn ráo trâu. Đây không phải là loài rắn độc, nguy hiểm mà có nhiều công dụng trong y học, nhất là sản xuất thuốc chữa bệnh, nên rắn hổ trâu được bán trên thị trường với giá bình quân 900 ngàn đồng/kg rắn thương phẩm.
Bước đầu, anh đã “khăn gói” đến một số tỉnh miền Tây Nam bộ để tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi rắn hổ trâu. Rồi anh quyết định đầu tư 100 triệu đồng mua con giống, xây dựng trại nuôi rắn. Trại nuôi rắn của anh là chuồng heo cũ được cải tạo lại, chia thành nhiều ô chuồng nuôi được làm bằng gỗ, tường xi măng, có cửa chuồng bên hông để tiện vệ sinh, chăm sóc, quản lý rắn. Bên trong chuồng có sập tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi. Thức ăn cho rắn là chuột sống, cóc, ếch nhái, các loại động vật bò sát nhỏ.
Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi nên đàn rắn của anh Long sinh trưởng, phát triển tốt, có đến hàng trăm con, có con đã đạt trọng lượng hơn 1 kg. Đặc biệt, anh Long đã chủ động được khâu ấp nở trứng rắn để bán con giống, giá bình quân 150 ngàn đồng/con. Anh cho biết, rắn đẻ 3-4 lứa/ năm, mỗi lứa 10-15 trứng. Trong năm 2012, anh đã xuất bán được một số rắn thương phẩm sang Trung Quốc và cung cấp một ít rắn giống cho người nuôi ở Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai).
Ông Nguyễn Văn Giác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa, cho biết: Anh Long là người đầu tiên mở trại nuôi rắn quy mô nhỏ ở địa phương, đảm bảo an toàn, bước đầu có thu nhập. Thức ăn cho rắn là chuột, góp phần bảo vệ mùa màng. Hội Nông dân xã đã giúp anh Long hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ trình cơ quan chức năng cấp phép gây nuôi động vật hoang dã.
|