|
Nông dân Mỹ Châu chăm sóc đậu phụng vụ Đông Xuân. |
Bằng ý chí, nghị lực, niềm tin và biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Phù Mỹ, nhiều nông - ngư dân đã vươn lên làm giàu, trong đó có một số điển hình như ông Lê Trọng Biên (ở xã Mỹ Châu); ông Trương Thành Long (xã Mỹ Đức) và ông Mai Duy Bình (xã Mỹ Hòa)...
Khá lên nhờ cây đậu phụng
Về xã Mỹ Châu trong mùa xuân này, đập vào mắt chúng tôi, trên chân đất ruộng, đất triền núi, gò đồi, đến tận mỗi khu vườn nhà..., nơi nào cũng thấy mướt xanh cây đậu phụng vụ Đông Xuân. Một trong những nông dân có thu nhập cao từ cây đậu phụng trên đất Mỹ Châu là ông Lê Trọng Biên, cán bộ hưu trí, ở thôn Vạn An. Dù đã nghỉ hưu, song ông vẫn cần cù lao động trên hơn một mẫu đất luân canh, xen canh các loại cây trồng cạn; nuôi bò vỗ béo…
Chúng tôi gặp ông trong khi ông đang “máy” nước cho ruộng đậu phụng. Ông Biên cho biết: “Ông bà ta từ ngàn xưa đã đúc kết là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đây chính là các yếu tố vô cùng quan trọng để đạt được năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung. Đối với cây đậu phụng, rất cần phân lân để tạo sức bén rễ, phân kali quan trọng khi hoa xuống cuống, cho trái nhiều, hạt chắc; kết hợp với nước tưới và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm bón, cây trồng sẽ luôn mang lại năng suất cao”.
Nói về việc làm ăn của mình, ông Biên cho biết thêm, vụ bắp vừa rồi gia đình ông thu hoạch hơn 1,2 tấn, thu về gần chục triệu đồng. Tiếp sang trồng đậu phụng, thu nhập trên 60 triệu đồng. Ông còn trồng thêm bắp làm thức ăn xanh để nuôi vỗ béo 4 - 5 con bò... Tổng doanh thu hàng năm của gia đình ông trên trăm triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 60 triệu đồng.
Làm giàu nhờ đóng tàu lớn, vươn khơi xa
Theo tuyến đường bê tông xi măng từ Vạn An xuôi về cửa Hà Ra - Phú Thứ (xã Mỹ Đức), mang theo trong lòng sự cảm phục cung cách làm ăn của một ngư dân đã vươn lên làm giàu trên “đầu sóng ngọn gió”, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Thành Long - hội viên Hội Cựu chiến binh thôn Phú Thứ.
Ông Long chia sẻ: Trước kia tui khổ lắm, gia đình đến 6 “miệng ăn”. Do đồng vốn ít ỏi, tui chỉ đánh bắt ven bờ, thu nhập thấp. Nghĩ mình sinh ra ở vùng quê biển, lớn lên từ biển, quấn quít với biển, dù khó dù nghèo cũng không thể xa biển của mình, nhưng cách làm ăn thì vẫn không thể mãi vậy được. Sau đó tui chuyển sang nghề câu mực, thu nhập có khá hơn, dành dụm được chút ít. Còn bây giờ thì đỡ hơn trước nhiều...
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết rằng, khi các con ông đã đủ tuổi trưởng thành, cũng là lúc phong trào đánh bắt xa bờ phát triển mạnh, với sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, chính là điều kiện tốt để gia đình ông “đổi đời”. Với tính quyết đoán, ông mạnh dạn vay thêm vốn, cùng các con đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, quyết tâm gắn bó với nghề khai thác, đánh bắt xa bờ. Hiện ông là thuyền trưởng một tàu cá công suất 400 CV, có tổng giá trị gần 4 tỉ đồng, lớn nhất thôn Phú Thứ này. Khai thác, đánh bắt có hiệu quả, bình quân hàng năm ông Long thu lãi cả tỉ đồng.
“Con bò là đầu cơ nghiệp”
Có thể nói như vậy với một số hộ nông dân ở thôn Gia Vấn thuộc xã Mỹ Hòa. Đây là vùng đất heo hút nằm chênh vênh như một ốc đảo ở giữa hồ chứa nước Hội Sơn (huyện Phù Cát) và hồ Đá Trải (xã Mỹ Hòa). Gần đây, từ khi có đường, có điện, người dân vùng sâu, vùng xa này đã có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Một trong những điển hình vươn lên làm giàu từ chăn nuôi bò ở thôn Gia Vấn là ông Mai Duy Bình.
Ông Bình tâm sự, vốn liếng và kinh nghiệm chăn nuôi đều thiếu, nên lúc đầu ông chỉ nuôi vài con bò, cả bò thịt và bò sinh sản. Nhờ đồng cỏ tự nhiên ở địa phương rộng, cùng với việc đầu tư chăm sóc chu đáo, đàn bò từng bước cho thu nhập khá dần. Thấy vậy, ông mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại quy mô hơn, phát triển thêm đàn bò cái nền sinh sản, đàn bê con sinh ra vừa bán giống, vừa để nuôi thịt. Đàn bò nhà ông có thời điểm trên 25 con, hiện nay còn 20 con. Hơn 20 năm qua, từ nuôi bò, gia đình ông thu lãi bình quân 60 - 70 triệu đồng/năm. Gần đây, cùng với chăn nuôi bò, gia đình ông Bình còn trồng hơn 8 sào đậu phụng, 2 sào kiệu, 1 sào lúa và 3 ha keo lai, bình quân mỗi năm thu lãi trên trăm triệu đồng.
|