(BĐ) - Ngày 19.2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Mai Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại các huyện: Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của huyện Hoài Nhơn, mặc dù nguồn nước tưới bị thiếu hụt nghiêm trọng, nhưng nhờ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, nên sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013 đạt kết quả tốt. Đến nay, diện tích lúa đại trà trên địa bàn huyện đang giai đoạn trổ đòng, diện tích lúa trà sớm đã bắt đầu chín, hứa hẹn mang lại năng suất cao. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trên địa bàn huyện được mùa khai thác hải sản, với sản lượng đạt trên 4.500 tấn. Huyện Hoài Nhơn đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành nạo vét luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan Bắc để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi khai thác thủy sản thuận lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc lưu ý, bước vào năm 2013, dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới, địa phương nên sớm đưa ra các giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng cường hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm tại các DN gồm: Công ty cổ phần May Tam Quan, Công ty cổ phần Đầu tư An Phát, Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn (huyện Hoài Nhơn); Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Hòa, Công ty cổ phần May túi xách Lotus (thị xã An Nhơn). Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2012 và kế hoạch thực hiện trong năm 2013. Lãnh đạo tỉnh vui mừng trước những kết quả đạt được của các DN; đồng thời lưu ý, bước vào năm 2013, dự báo tình hình kinh tế còn nhiều biến động, các DN cần nỗ lực hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các DN cũng cần quan tâm đến điều kiện lao động của công nhân, tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, đi lại và các chế độ khác.
Riêng với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các ngành chức năng sớm tiến hành các bước để thu hồi diện tích đất lúa nằm trong khu vực mở rộng KCN; các vướng mắc liên quan đến việc cấp điện, Sở Công Thương phải làm việc với ngành Điện và báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh sớm đưa ra giá thu phí xử lý nước thải để chủ đầu tư có cơ sở thu phí các DN; thị xã An Nhơn phải hoàn thành xây dựng khu tái định cư trong năm 2013.
Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, lãnh đạo tỉnh chúc các DN đạt nhiều thắng lợi trong năm mới, nhằm đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Tại Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định và Công ty CP Giày Bình Định, lãnh đạo các DN đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012, kế hoạch năm 2013 và phân tích một số khó khăn tồn tại. Năm 2013, Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đặt mục tiêu tăng trưởng 15%; đồng thời hoàn thành cổ phần hóa, tái cấu trúc Công ty; đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư; mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm trong cả nước… Trong khi đó, Công ty CP Giày Bình Định đặt ra mức tăng trưởng 5-7%, phấn đấu ổn định sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch Mai Thanh Thắng ghi nhận nỗ lực của các DN để phát triển sản xuất trong tình hình kinh tế khó khăn. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, các DN cần quan tâm đến đời sống, cải thiện thu nhập, đảm bảo các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng chí cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách để các DN tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải.
* Ngày 19.2, Đoàn công tác UBND tỉnh do bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn.
Theo báo cáo của UBND 2 huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn, tính đến thời điểm hiện nay, dịch rầy nâu, rầy lưng trắng đang bùng phát và gây hại trên diện tích gần 350 ha lúa Đông - Xuân. Trước tình hình dịch rầy nâu, rầy lưng trắng diễn biến phức tạp, có thể bùng phát và gây hại nghiêm trọng, những ngày qua Sở NN-PTNT đã thành lập các đoàn công tác về tận các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Trạm Bảo vệ thực vật các huyện đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nắm chắc tình hình dịch để đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả…
Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống dịch rầy nâu, rầy lưng trắng, đồng thời yêu cầu UBND 3 huyện, thị xã nói trên ngoài việc tập trung phòng trị diện tích lúa bị nhiễm rầy, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ tác hại của dịch bệnh; đồng thời phổ biến một cách sâu rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch để người dân hiểu và tự nguyện tham gia phòng chống dịch bệnh. Đối với Sở NN-PTNT, Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà yêu cầu phải luôn bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình dịch bệnh để phát hiện, chống dịch kịp thời. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cũng cần chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng chống dịch; phân công cán bộ tăng cường công tác ở cơ sở để giám sát chặt chẽ diễn biến của các đối tượng dịch hại nguy hiểm trên đồng ruộng, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, không để rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát thành dịch.
|