|
Sản xuất hàng gỗ xuất khẩu tại doanh nghiệp Tân Đức Duy (KCN Phú Tài). Ảnh: V.L |
Năm 2013, theo dự báo, ngành chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thử thách mới. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan cũng đã mở ra với ngành CBGXK của tỉnh nhà.
Năm 2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của các DN CBGXK trên địa bàn tỉnh (trừ dăm gỗ nguyên liệu giấy) chỉ đạt khoảng 186 triệu USD, giảm gần 18% so với năm 2011. Theo ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản (FPA) Bình Định, nguyên nhân các DN CBGXK khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với khủng hoảng nợ công ở EU. Nhiều nước trong khối EU đều thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, nên việc XK mặt hàng đồ gỗ vào thị trường này gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các DN CBGXK còn phải đương đầu trước những hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu áp đặt, như Đạo luật Lacey của Mỹ; Đạo luật cấm khai thác gỗ bất hợp pháp của Úc...
Theo ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, bên cạnh những rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, kể từ ngày 1.3.2013, các DN CBGXK sẽ phải chịu áp lực bởi những quy định của Chương trình hành động thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản FLEGT của EU. Bên cạnh đó, tình hình thị trường đồ gỗ nhiều nước thuộc khối EU có sự giảm sút cũng là thử thách không nhỏ đối với các DN CBGXK.
Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan cũng đã hé mở đối với các DN CBGXK. Theo ông Lê Văn Lương, có triển vọng thị trường đồ gỗ sẽ hồi phục vào cuối quý II-2013 và sẽ tăng trở lại từ quý III-2013. Trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường trong nước và thế giới, trong năm 2013, doanh số XK đồ gỗ Bình Định sẽ đạt khoảng 270-280 triệu USD. Trong đó, thị trường EU vẫn là chủ lực với trọng tâm là các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu. Theo nhận định của lãnh đạo FPA Bình Định, trong năm 2013, nhu cầu đồ gỗ ngoài trời ở các nước EU sẽ lớn hơn. Đây chính là cơ hội để các DN CBGXK Bình Định hồi phục.
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, qua đánh giá về nhiều mặt, trong năm 2013 sẽ phấn đấu đưa giá trị KNXK của nhóm hàng lâm sản đạt 267 triệu USD, tăng 11,4% so với năm 2012. Trong đó, sản phẩm gỗ tinh chế ngoại thất ước thực hiện 210 triệu USD (tăng 19,2%); sản phẩm gỗ tinh chế nội thất ước thực hiện 107,2 triệu USD (tăng gần 52%).
Theo ông Nguyễn An Điềm, để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, kế hoạch trên, các DN CBGXK trên địa bàn cần quan tâm tạo dựng lại niềm tin kinh doanh; gắn kết giữa các DN thương mại dịch vụ và DN sản xuất, từ đó giải quyết dần những tồn tại, vướng mắc. Các DN cần tạo dựng niềm tin để có thể vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất; thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thị trường, tình hình khách hàng; linh hoạt hợp tác với nhau để phản ứng kịp thời, đúng xu hướng thị trường, kiểm soát hàng tồn kho... Đồng thời, cần quan tâm đầu tư công nghệ, quy trình sản xuất mới nhằm giảm thiểu lao động phổ thông. Ngoài ra, để khắc phục “tính thời vụ” của đồ gỗ ngoài trời, các DN cần chủ động khai thác có hiệu quả thị trường trái vụ, tìm kiếm thêm đơn hàng hoặc phát triển sản xuất đồ gỗ nội thất; cần quyết liệt hơn trong việc đầu tư chuyển đổi từ sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ gỗ nội thất.
Riêng FPA Bình Định, trong quý I và II-2013, BCH Hiệp hội sẽ tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà cung cấp, Hội nghị các nhà công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ ngành CBGXK, nhằm củng cố lại niềm tin kinh doanh, tạo mối quan hệ gắn kết giữa các DN thương mại - dịch vụ và DN sản xuất. Đồng thời, FPA Bình Định sẽ phối hợp với các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế tổ chức các lớp thiết kế, phát triển sản phẩm, kỹ năng tiếp thị, bán hàng.
|