|
Một góc Cát Minh hôm nay. Ảnh: HOÀI TRUNG |
Về Cát Minh (huyện Phù Cát) trong những ngày đầu xuân Quý Tỵ, đi dọc theo tuyến tỉnh lộ 633, ngang qua chợ Đức Phổ nhộn nhịp, đến tỉnh lộ 639 với nhiều ngôi nhà 2 - 3 tầng khang trang, phố xá sầm uất, đông vui, chúng tôi thấy vùng quê biển này đã thật sự khởi sắc.
Xã Cát Minh có nhiều lợi thế trong phát triển nông-lâm-ngư nghiệp. Toàn xã có diện tích sản xuất lúa mỗi năm gần 1.600 ha, gần 200 ha sản xuất cây trồng cạn ngắn ngày, gần 70 ha ruộng muối, trên 100 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; có đầm Đề Gi thông với cửa biển Đề Gi thuận lợi cho việc phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào thâm canh cây trồng, vật nuôi; sử dụng giống lúa cấp 1 trên 95% diện tích, đưa năng suất bình quân lên gần 57 tạ/ha/vụ. Chăn nuôi phát triển khá mạnh, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Đặc biệt, Cát Minh đã chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế biển, đem lại hiệu quả cao. Ngư dân địa phương đã đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ, trang bị phương tiện hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt xa bờ. Hiện toàn xã có 262 tàu cá, tổng công suất hơn 16.600 CV, trong đó có nhiều tàu có công suất 90 CV trở lên, đáp ứng yêu cầu bám biển dài ngày, đưa sản lượng khai thác ngày càng tăng, riêng năm 2012 đạt trên 2.900 tấn hải sản các loại.
Tiềm năng kinh tế biển được khai thác đã giúp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Các dịch vụ: sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; kinh doanh xăng dầu, thu mua, chế biến hải sản, làm nước mắm… ngày càng phát triển; cùng các ngành nghề truyền thống như sản xuất muối, đan đát, mộc, nề, sản xuất gạch ngói… góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập đáng kể cho người lao động. Hoạt động dịch vụ và các ngành nghề truyền thống đã đem lại nguồn thu nhập gần 70 tỉ đồng/năm, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Ngoài ra, toàn xã còn có 612 hộ xây dựng cơ sở 2 trồng cà phê ở Tây Nguyên và hơn 550 lao động làm các ngành nghề kinh doanh ở nơi khác, năm 2012 đem về cho địa phương trên 62,5 tỉ đồng, chiếm trên 22% giá trị tổng sản phẩm xã hội của xã.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; phát triển nghề cá với việc tập trung khai thác, đánh bắt xa bờ; cộng với sự đầu tư trợ giúp từ Nhà nước trong việc xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm… ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, cùng với những công trình phúc lợi được xây dựng khang trang đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê biển Cát Minh.
|