Những ngày đầu năm mới Quý Tỵ, chúng tôi về thăm khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc (thị trấn Bồng Sơn - huyện Hoài Nhơn) và thật ấn tượng trước những đổi thay của vùng đất vốn được xem là nơi heo hút, cằn cỗi này. Bây giờ, Thiết Đính Bắc đã thành một vùng quê trù phú…
Những tuyến đường vào Thiết Đính Bắc tuy chưa được quy hoạch, nâng cấp, mở rộng tất cả, nhưng trên 3 km đường bê tông xi măng được xây dựng từ vài năm nay, cùng với tuyến đường bê tông dài 2,5 km nối từ đường Trần Phú của thị trấn Bồng Sơn qua quốc lộ 1A mới, qua đường phía Tây tỉnh đến giáp khu kinh tế mới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa…
|
Đường vào khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc đã được bê tông xi măng. Ảnh: D.B.S |
Xác định là một vùng đất khó, nên những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hạ tầng nông thôn nơi đây từng bước được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây dần được cải thiện. Theo ông Ông Tạ Văn, bí thư chi bộ khối Thiết Đính Bắc: Hiện khu kinh tế mới này có 38 hộ, 100% số hộ có ti vi và xe máy, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 60% hộ sử dụng điện thoại không dây và 85% có điện thoại di động. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 4 hộ mà chủ yếu là những người già neo đơn, bệnh tật.
Với đặc điểm của một vùng đất ít ruộng, nhiều đồi núi, bà con tập trung phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp với chăn nuôi để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Thiết Đính Bắc có 26 ha ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm, với 95% diện tích sử dụng giống cấp 1, năng suất bình quân từ 50 tạ đến 54 tạ/ha/năm. Trong 5 năm trở lại đây, phong trào kinh tế vườn rừng ở Thiết Đính Bắc phát triển mạnh, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nhỏ, đưa cây đào ghép vào trồng xen với cây chuối, mít, đu đủ, dừa xiêm, nuôi cá nước ngọt. Cách làm này đạt hiệu quả kinh tế khá cao, giúp nhiều hộ có thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm. Đặc biệt, ông Tạ Thế (78 tuổi) khi mới vào đây lập nghiệp thì tuổi đã cao, không khai hoang, trồng rừng được, chỉ sống nương nhờ vào bà con lối xóm, nhưng đến nay ông có thu nhập hàng tháng hơn 1 triệu đồng từ 60 gốc dừa xiêm trong vườn nhà.
Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, heo. Trong số 38 hộ toàn khối, mỗi hộ đều nuôi ít nhất 2 con bò; có một số hộ nuôi trên 10 con… Chăn nuôi có hiệu quả đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân Thiết Đính Bắc.
Ông Trần Gương (67 tuổi)- một trong những hộ làm ăn phát đạt từ kinh tế vườn rừng ở Thiết Đính Bắc, tâm sự: Hồi mới vào đây, nhìn cảnh rừng núi heo hút tôi thấy chán nản vô cùng, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như sự đùm bọc của bà con chòm xóm, cùng với sự chăm chỉ, miệt mài của cả nhà, nên đến nay gia đình tôi vừa xây được ngôi nhà trên 120 triệu đồng, có 6 ha keo lai 5 năm tuổi, 2 ha đào trồng xen với chuối, mít; đàn bò 8 con… Bây giờ gia đình tôi đã “đủ ăn, đủ mặc”, không còn lo chuyện “thiếu trước, hụt sau” nữa.
Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phượng được xếp vào nhóm “hàn vi” nhất trong số 19 hộ đầu tiên vào đây lập nghiệp, nhưng đến nay được xếp vào tốp đầu, làm ăn khá giả nhất vùng. Ngoài 4 ha vườn đào cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm, gia đình chị còn trồng 3 ha rừng nguyên liệu giấy, nhận thầu 1 hồ nuôi cá nước ngọt, cùng với chăn nuôi heo, bò, gà, với tổng thu nhập hàng năm trên 70 - 80 triệu đồng. Làm ăn có hiệu quả, chị mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong nhà: Ti vi 32 inch, 2 xe máy, dàn karaoke, tủ lạnh và bộ salon nệm mút sang trọng...
Chị Phượng bộc bạch: Lâu nay vùng này ít người qua lại nên mình ăn ở sao cũng được. Còn bây giờ đời sống của người dân nơi đây đã khá dần lên, đường mới rộng mở, thông thương với bên ngoài, xe cộ qua lại thường xuyên, nên mọi người đều “hội nhập”. Tết Quý Tỵ vừa qua bà con ăn Tết đầy đủ, vui vẻ lắm...
|