Chẻ lạt cắm dưa ở thôn Hòa Sơn:
Nghề thu nhập khá
19:38', 23/2/ 2013 (GMT+7)

Thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường (Tây Sơn) có hơn 900 hộ dân, trong đó có hơn 40% số hộ làm nghề chẻ lạt cắm dưa, có thu nhập khá.

Lạt cắm dưa thường được dùng hiện nay là loại lạt được chẻ ra từ cây mò o, có chiều dài 1,2m, dày khoảng 2mm. Sau khi mua về, người trồng dưa hấu sẽ chặt thành từng khúc để dùng, tùy theo mục đích. Lúc dây dưa ra khoảng 2 - 3 lá, người dân dùng 2 lạt có chiều dài khoảng 20cm cắm xuống gốc tạo thành hình chữ X giúp dưa khỏi bị ngã xuống rãnh nước. Khi dưa bắt đầu ra 12 - 13 lá trở đi cho đến khi dây dưa đẻ nhánh, ra trái, người trồng dưa dùng lạt có chiều dài khoảng 10cm, bẻ cong hai đầu tạo thành hình chữ V, cắm hai đầu lạt xuống đất để giữ chặt thân dây dưa ở giữa, tránh gãy ngọn khi có gió và mọc theo ý đồ của người trồng.

 

Chị Nguyễn Thị Diệu đang dùng lạt mò o để cắm dưa. Ảnh: K.SON

Chị Nguyễn Thị Diệu, người trồng dưa ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường, cho biết: “Lúc trước, tôi dùng ống hút rồi xỏ lạt tre vào giữa để cắm dưa (vì sợ lạt cứa đứt dây dưa) nhưng tốn nhiều công và hao lạt. Sau tôi dùng lạt từ cây mò o thì tiết kiệm được thời gian và có thể tận dụng sử dụng lại lần sau”. Nhận xét về tiện ích của lạt mò o, một người trồng dưa khác là anh Lê Minh Quyết, ở thôn 1, xã Bình Nghi, nói: “Lạt từ cây trúc, cây tre không cứng, dẻo và láng bằng lạt mò o nên khi dùng lạt mò o để cắm dưa, tôi thấy rất hiệu quả”.

Không chỉ giúp người trồng dưa tiết kiệm được thời gian, công sức mà nghề chẻ lạt còn giúp cho người dân thôn Hòa Sơn, Bình Tường có việc làm ổn định và thu nhập khá. Để đáp ứng nhu cầu của nghề trồng dưa, vốn đang ngày càng phát triển ở Tây Sơn và cả ở các vùng lân cận khác, số hộ dân ở Hòa Sơn làm nghề chẻ lạt cũng ngày càng tăng. Không chỉ được bán cho người trồng dưa ở địa phương, bỏ sỉ cho các đại lý vật tư nông nghiệp, lạt mò o của thôn Hòa Sơn còn được bán cho thương lái từ Tuy Phước, An Khê (Gia Lai) đến thu mua để phục vụ những việc khác trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đây là nghề có thể làm quanh năm lúc nông nhàn.

Trước đây, ông Trần Hậu, ở xóm 6, thôn Hòa Sơn, phải đi làm thuê khắp nơi nhưng vẫn không đủ nuôi gia đình bởi nhà đông con, ít ruộng. Nhận thấy nghề này đem lại thu nhập cao, gia đình ông đã bắt tay vào làm. Cũng như những người khác làm nghề này, ông Hậu lên vùng núi ở Vĩnh Thạnh chặt cây mò o mang về rồi hai vợ chồng chẻ lạt. Những khi rảnh việc đồng áng và cao điểm vào mùa dưa, mỗi ngày hai vợ chồng ông chẻ từ 8 - 9 thiên lạt, bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/1 thiên, thu nhập được 400 - 500 ngàn đồng.

Cũng giống như gia đình ông Hậu, gia đình ông Phạm Khắc Khanh, ở xóm 6, thôn Hòa Sơn có 3 lao động chính làm nghề chẻ lạt mò o. Ông Khanh cho biết: “Lúc trước, mọi chi tiêu trong gia đình tôi đều trông chờ vào hạt lúa, khi hết lúa lại phải vay mượn khắp nơi, từ khi làm nghề này tuy không giàu nhưng cũng có thêm khoản để chi tiêu”. Mùa dưa như hiện nay, bình quân mỗi ngày gia đình ông kiếm được khoảng 600 ngàn đồng từ nghề chẻ lạt.

  • KIM SON
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều việc làm chờ người lao động  (23/02/2013)
Phục hồi nhẹ sau phiên lao dốc vì tin đồn  (23/02/2013)
Đổi thay ở một vùng quê mới  (22/02/2013)
Nghiên cứu tác động của ngập lụt đến quy hoạch phát triển đô thị phường Nhơn Bình – Quy Nhơn  (22/02/2013)
Một số ghi nhận đầu năm  (22/02/2013)
Vân Canh đưa vào sử dụng cầu Sở Quản Du  (22/02/2013)
Triển khai kế hoạch tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm  (22/02/2013)
Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế  (22/02/2013)
Nga cấp 1 tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân ở VN  (22/02/2013)
Sức sống mới ở một vùng quê biển  (22/02/2013)
Tổ chức nạo vét luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan  (21/02/2013)
Nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội mới  (21/02/2013)
Phú Phong trong bước chuyển mình lên thị xã  (21/02/2013)
Hơn 600 ha lúa Đông Xuân bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại  (21/02/2013)
Công điện khẩn về phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn  (21/02/2013)