Ngày 23/2, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 2 chỉ tăng 1,32% so với tháng 1, đưa CPI 2 tháng đầu năm tăng 2,59% so với tháng 12/2012.
Đánh giá về mức tăng CPI tháng Tết Nguyên đán này, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết mặc dù là tháng Tết Nguyên đán và có số ngày nghỉ Tết kéo dài nhất từ trước tới nay, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thường cao hơn và sôi động, nhưng nhờ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào, phong phú nên không gây ra sự tăng giá đột biến như nhiều năm trước đây.
Vì vậy, CPI tháng 2/2013 chỉ cao hơn mức tăng 1,17% của tháng 2/2009; thấp hơn mức tăng 1,37% của tháng 2/2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng từ 2-3,56% của các tháng 2 kể từ năm 2002 lại đây.
Theo đó, CPI tháng 2 tăng ở 10 trong tổng số 11 nhóm của Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03-2,28%; trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 2,28%, nhóm giáo dục có mức tăng thấp là 0,03%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,03%.
Cụ thể, nhờ nguồn cung về lương thực ổn định, chỉ số giá lương thực chỉ tăng nhẹ là 0,37% khi nhu cầu của người dân tiêu dùng Tết về mặt hàng gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng mạnh. Tuy nhiên, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá lương thực lại giảm 0,85%, trong đó giảm mạnh là mặt hàng gạo tẻ thường do vào thời điểm thu hoạch vụ lúa Đông Xuân.
Với nhóm hàng thực phẩm, do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền tăng cao nên chỉ số giá thực phẩm tăng tới 3%; trong đó thịt lợn tăng 2,27%, thịt bò tăng 6,62%, thủy sản tăng 3,66%, gia cầm tươi sống tăng 5,68%, nhất là mặt hàng gà ta do nhu cầu cúng lễ của người dân trong dịp Tết tăng.
Do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, giá đồ uống các loại đã tăng 1,5%, trong đó đồ uống không cồn tăng 1,63%, rượu bia tăng 2,08%, thuốc lá tăng 0,86%.
Cũng trong tháng Tết Nguyên đán này, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách đều tăng cao nên nhóm giao thông có mức tăng khá là 0,81%; trong đó dịch vụ giao thông công cộng tăng tới 8,23% với giá vé xe khách tăng 12%, giá vé tàu hỏa tăng 4,5%.
Lý giải về mức tăng tương đối thấp của CPI tháng 2, nhiều chuyên gia cho rằng năm 2012 là một năm kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh nên thưởng Tết Nguyên đán năm nay tính chung giảm khoảng 10% so với năm ngoái.
Trong khi đó, kinh tế 2013 vẫn chưa có những tín hiệu tốt nên đa số người làm công ăn lương đều có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn, chỉ chi tiêu cho những hàng hóa thiết yếu, giảm chi những hàng hóa dịch vụ xa xỉ. Xu hướng này đã góp phần “hạ nhiệt” quy luật tiêu dùng “nóng” trong dịp Tết như các năm trước đây.
Bên cạnh đó, chính sách bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, dự trữ hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán được triển khai mạnh mẽ ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần giúp kiềm chế tăng giá đột biến nhiều mặt hàng có sức tiêu dùng mạnh trong dịp Tết.
Dự báo về mức tăng CPI tháng 3 và các tháng tiếp theo, các chuyên gia cho rằng: CPI tháng 2 tăng không cao nhưng nếu sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng theo đề nghị trước đó của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, thì CPI tháng 3 và các tháng tiếp theo sẽ có mức tăng tương đối.
Theo tính toán, nếu giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít thì CPI tháng 3 tới sẽ có thể tăng thêm hơn 0,1%.
Trong tháng 2, chỉ số giá vàng đã giảm 0,33% do giá vàng thế giới giảm và chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Giá đôla Mỹ trên thị trường cũng chỉ tăng nhẹ 0,03% nhờ lượng kiều hối gửi về cuối năm tăng mạnh.
. Theo TTXVN |