Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới bị thiếu hụt, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân (ĐX) 2012-2013, tính toán kế hoạch sản xuất Hè Thu (HT) phù hợp với điều kiện thực tế. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.
|
Vụ Hè Thu, có khả năng nguồn nước tưới sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.
- Trong ảnh: Hồ chứa nước Mỹ Thuận, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát đã khô kiệt, không còn khả năng cung cấp nước tưới.
|
* Ông có thể cho biết hiện nguồn nước phục vụ sản xuất ĐX thiếu hụt đến mức nào?
- Xác định thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất, nên vụ ĐX 2012-2013 tỉnh ta đã chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung chuyển đổi những diện tích có khả năng bị thiếu hụt nguồn nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn, đồng thời xây dựng và triển khai phương án tưới, phương án chống hạn ngay từ đầu vụ sản xuất. Thực tế cho thấy, diện tích lúa gieo trồng toàn tỉnh trong vụ ĐX 2012-2013 là 45.621 ha, trong đó có trên 25.000 ha lúa sản xuất trên chân đất 3 vụ/năm và hơn 20.000 ha lúa sản xuất trên chân đất 2 vụ/năm. Hiện nay, diện tích lúa 3 vụ/năm đang trong giai đoạn chín, một số vùng đang thu hoạch, nên không cần bổ sung thêm nước tưới. Diện tích lúa 2 vụ/năm đang trổ và vào chắc, cần từ 1-3 đợt tưới nữa.
Về nguồn nước tưới, tính đến nay, tổng dung tích nước tại các hồ chứa trong tỉnh là 275/572 triệu m3, đạt 48% so với tổng dung tích thiết kế. Trong đó, lượng nước tại các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quản lý còn 242/456 triệu m3; lượng nước tại các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 33/117 triệu m3. Với nguồn nước hiện có, triển khai các biện pháp bơm tát sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho diện tích lúa sản xuất trên chân đất sản xuất 2 vụ/năm. Hơn nữa, gần đây trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra nhiều đợt mưa trên diện rộng đã ít nhiều giảm bớt căng thẳng về nguồn nước tưới tại các địa phương. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc của Sở NN-PTNT đang phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chống hạn cho diện tích lúa đang trổ và vào chắc; nông dân trong tỉnh cũng đang nỗ lực bảo vệ lúa ĐX.
* Trước tình hình này, nguồn nước tưới cho vụ HT chắc sẽ căng thẳng hơn?
- Đúng vậy. Theo tính toán của chúng tôi, kết thúc vụ ĐX 2012-2013, lượng nước tại các hồ chứa trong tỉnh chỉ còn khoảng 245 triệu m3, đạt 42% tổng dung tích thiết kế. Dự báo, tổng lượng mưa trong tháng 3 ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình cùng kỳ nhiều năm; mực nước bình quân trên các sông ở mức thấp. Do vậy, tình trạng thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng và gay gắt hơn ngay từ đầu vụ sản xuất.
Trên cơ sở nguồn nước hiện có và tính toán lượng nước tiêu hao cần tưới đến hết vụ ĐX với giả định lượng nước mưa bổ sung trong vụ HT bằng 50% lượng mưa trung bình cùng kỳ nhiều năm, chúng tôi tính toán khả năng có 32.510 ha/50.116 ha cây trồng đảm bảo được nước tưới, đạt 65% tổng diện tích. Trong đó, các công trình do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quản lý đảm bảo tưới cho khoảng 21.882 ha/26.229ha, đạt 83% tổng diện tích. Các công trình thủy lợi do các địa phương quản lý đảm bảo tưới cho 10.628/20.566 ha, đạt 52% tổng diện tích. Diện tích đất thiếu nước không sản xuất khoảng 9.908 ha. Các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn là những địa phương thiếu nguồn nước tưới nghiêm trọng nhất.
* Vậy phải làm gì để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra trong vụ sản xuất HT, thưa ông?
- Để hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra, tỉnh ta cần phải chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, đối với trồng trọt, cần rà soát nguồn nước tưới, khoanh vùng tưới và chỉ bố trí sản xuất lúa ở những diện tích đảm bảo được nước tưới; tập trung thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng đạt năng suất cao nhất. Các địa phương đều phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên chân đất sản xuất lúa phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, kiên quyết không để nông dân tự phát gieo sạ lúa ở những vùng không đảm bảo nước tưới. Vận động nông dân sản xuất các loại cây trồng cạn như: bắp, đậu phụng, đậu nành, mè…, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Đối với lịch thời vụ, cần đẩy sớm thời vụ gieo sạ vụ HT so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: vụ Hè, thu hoạch xong lúa ĐX đến đâu, làm đất gieo sạ đến đấy, phấn đấu gieo sạ từ ngày 10.3 và kết thúc trước ngày 25.3; vụ Thu gieo sạ từ ngày 1.5 và kết thúc trước ngày 10.5, đảm bảo thu hoạch trước ngày 25.8.
Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện lịch thời vụ, các đơn vị quản lý thủy nông và chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin cho nông dân về tình hình hạn hán, nguồn nước và các biện pháp chống hạn để nông dân chủ động áp dụng vào thực tế. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với đơn vị quản lý công trình thủy điện An Khê-Kanak nắm lịch phát điện, cấp nước cho sông Côn để kịp thời vận hành đóng mở hồ Định Bình phù hợp, đồng thời thông báo cụ thể khu vực có thể cung cấp đủ nước tưới, lịch cấp nước luân phiên trong hệ thống công trình để các địa phương có căn cứ chỉ đạo sản xuất.
Các địa phương tu bổ, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để giảm thiểu tình trạng thất thoát nước; đắp bờ bao, đập bổi, đập tạm trên các sông, suối nhỏ để giữ nước, chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu, các loại vật tư và phương tiện khác để phục vụ chống hạn. Thành lập, củng cố các tổ đội thủy nông để chủ động điều tiết nguồn nước và hướng dẫn nông dân kiên trì thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước…
* Xin cảm ơn ông!
|