Thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản. Giải pháp nào để giúp các DN ngành xây dựng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước hồi phục, phát triển là vấn đề đang được UBND tỉnh hết sức quan tâm.
|
Do gặp nhiều khó khăn, tiến độ thi công Dự án xây dựng Khu đô thị An Phú Thịnh bị chậm trễ.
|
Nhiều khó khăn, bất cập
Theo ông Đinh Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Đinh Phát: “Thời gian qua các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn như công tác đấu thầu, có không ít hồ sơ mời thầu trong thiết kế yêu cầu một đàng, trong khối lượng mời thầu ghi một nẻo. Rồi tình trạng “lạm phát” nhà thầu, nhà tư vấn thiết kế. Lại có trường hợp hợp đồng ghi phương điều chỉnh giá (vật tư, nhân công…), nhưng khi thực hiện xong, không được điều chỉnh, làm cho DN bị thiệt hại…”.
Ở một góc độ khác, đại diện Công ty tư vấn Hoàng Lê phản ảnh về tình trạng chậm thanh toán công trình. Theo đó, có nhiều dự án, công trình, nhất là công trình sử dụng vốn địa phương, có khi hoàn thành 6-7 năm mà vẫn chưa được thanh toán; có công trình 4 năm sau mới chuyển khoản, nhưng khi tìm hồ sơ thì thất lạc. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn mà còn làm cho DN suy kiệt.
Có một thực tế là nhiều công ty xây dựng đọng vốn trong các công trình đã thi công nhưng chưa được chủ đầu tư thanh toán, trong khi DN vẫn phải đều đặn trả lãi vay cho ngân hàng. Một số dự án xây dựng đang thực hiện dang dở, song không thể thu hút thêm vốn để tiếp tục thi công, dẫn đến đình trệ, khiến DN bất động sản phải gánh chịu chi phí lãi vay.
Ông Bùi Trần Hà, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định (BACC), cho biết: “Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 2.637 DN xây dựng và kinh doanh bất động sản phải giải thể hoặc dừng hoạt động; trong đó tỉ lệ kinh doanh bất động sản phải giải thể tăng trên 24% so với năm 2011. Và, các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, song tình hình khó khăn của các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh ta là rất lớn, nhiều DN gần như tê liệt, phải dừng hoạt động; các DN sản xuất vật liệu xây dựng thì sản phẩm tồn kho lớn; thiếu vốn và kinh doanh thua lỗ…”.
Hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn
Những khó khăn, bất cập và cả những bức xúc mà các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh phản ảnh đã được ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ghi nhận và chia sẻ tại buổi gặp mặt các DN xây dựng mới đây. Vấn đề là làm thế nào để hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN ngành xây dựng trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước hồi phục và phát triển?
Tại buổi gặp mặt do UBND tỉnh tổ chức, các DN đã thẳng thắn đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị đối với UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng. Thay mặt BACC, ông Bùi Trần Hà đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có 2 vấn đề cơ bản là tháo gỡ khó khăn từ chính sách và từ môi trường, cơ chế của lãnh đạo địa phương. UBND tỉnh nên kêu gọi các DN xây dựng trong tỉnh liên doanh, liên kết để thực hiện các dự án BT, BOT; có chính sách hỗ trợ DN thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ DN. Đồng thời, UBND tỉnh cần có các chính sách, như ưu tiên cho DN địa phương; hỗ trợ pháp lý (nhất là đối với các giao dịch dân sự), tạo môi trường thông thoáng, giúp DN dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Cụ thể, BACC đề xuất: Hồ sơ mời thầu những dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách thì nên thông qua cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, tránh trường hợp tiêu cực xảy ra giữa chủ đầu tư và DN. Đối với các DN đầu tư bất động sản, các cấp chính quyền cũng nên xem xét vận dụng các chính sách có lợi cho DN, nhất là trong bối cảnh tình hình bất động sản “đóng băng”. Đồng thời, tỉnh cần quyết liệt hơn đối với công tác thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Bởi lẽ, kiểu thanh toán như lâu nay đã làm cho DN lao đao vì ngân sách nợ không tính lãi, trong khi DN phải tính lãi cho ngân hàng.
Ngoài ra, BACC cũng kiến nghị UBND tỉnh một số vấn đề, như: Cần công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; kiện toàn các ban quản lý dự án xây dựng yếu kém; nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư; xác định trách nhiệm pháp lý công bằng cho mối quan hệ hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Những ý kiến, kiến nghị của BACC và các DN xây dựng trên địa bàn đã được UBND tỉnh ghi nhận. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN xây dựng: Sở KH-ĐT cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục đấu thầu, nhất là vấn đề hồ sơ mời thầu, thẩm định năng lực nhà thầu. Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý hoạt động xây dựng theo tinh thần Nghị định 15 của Chính phủ…
|