Những năm gần đây, người dân làng TơLơk, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Ở TơLơk nay không còn cảnh vào rừng đốn hạ cây để làm nhà, phá rừng làm nương rẫy nữa.
Làng có 81 hộ với 337 khẩu, đều là người dân tộc Bana. Tất cả hộ dân ở đây đều đang được Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh giao quản lý và bảo vệ trên 993 ha rừng. Thu nhập từ rừng tương đối ổn định vì ngoài tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng, bà con còn được quyền chủ động khai thác và sử dụng các loại lâm sản phụ thu được dưới tán rừng như cây mật nhân, củ riềng, củ mài...
|
Người dân làng TơLơk chăm sóc rừng. |
Gia đình anh Đinh Dék, làng TơLơk (làng M2), có 5 nhân khẩu, được giao khoán 10 ha rừng. Anh thường lên rẫy kiểm tra, phát dọn những cây dây leo, cây bụi cho cây rừng phát triển tốt. Anh Đinh Dék bảo, nhận khoán bảo vệ rừng không vất vả mấy mà có thêm thu nhập nên trong làng ai cũng phấn khởi. “Lúc trước, mỗi khi người trong làng làm nhà thường chặt cây trên rừng về để làm, nhưng bây giờ, sau khi được tuyên truyền thường xuyên, ai cũng đã ý thức hơn trong việc gìn giữ và bảo vệ rừng. Muốn có cây làm nhà phải đi mua” - anh nói. Còn anh Đinh Ươn thì kể: “Nhà nước tuyên truyền rừng là vàng, không được phá rừng làm nương rẫy và đốn cây làm nhà, mình thấy cũng có lý nên làm theo”.
Những năm trước, khi nhận thức về rừng của bà con còn hạn chế, nơi đây đã từng xảy ra tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, thông qua công tác tuyên truyền cũng như khiển trách, kiểm điểm trước làng những trường hợp vi phạm, ý thức của bà con được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, từ khi bà con làng TơLơk nhận giao khoán bảo vệ rừng (7.2010) đến nay, chỉ xảy ra 3 trường hợp người dân trong làng vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đều bị Hội đồng quân dân chính làng phát hiện và kiểm điểm trước dân.
Để có được kết quả trên, hàng tháng, Hội đồng quân dân chính làng tổ chức đi kiểm tra, nắm tình hình thông qua các nhóm (mỗi nhóm từ 2 - 4 hộ), còn hộ được giao khoán hầu như kiểm tra, thăm rừng mỗi ngày. Đơn cử như mới đây, tại khoảnh rừng do ông Đinh Văn Dứt quản lý bị lâm tặc nơi khác vào đốn hạ, nhưng nhờ thường xuyên kiểm tra, phát tuyến diện tích rừng khoán nên người dân đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn lâm tặc đang đốn hạ một cây gỗ gõ nhiều năm tuổi.
Ông Đinh Ni, Trưởng làng TơLơk, cho bết: “Để có được tinh thần tự giác trong việc bảo vệ rừng của cả làng, không thể không nói đến công tác dân vận của các già làng, trưởng thôn, các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, cũng như sự kiểm điểm, xử lý kịp thời của làng đối với các trường hợp vi phạm”.
|