Thực hiện Thông tư số 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những ngày gần đây, một số chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc thu phí dịch vụ rút tiền qua thẻ ATM nội mạng. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều.
|
DongA Bank, một trong những ngân hàng không thu phí ATM nội mạng.
- Trong ảnh: Một quầy giao dịch ATM thuộc hệ thống DAB Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
|
Thông tư số 35 quy định khá cụ thể về các nội dung: Phí rút tiền nội mạng; các giao dịch rút tiền ngoại mạng; phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng; phí phát hành thẻ; phí in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản… Theo đó, kể từ ngày 1.3 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được xác định là 1.000 đồng/mỗi giao dịch.
NHTM cổ phần Đông Á (DongA Bank - DAB) là một trong số NHTM tỏ ra “kém mặn mà” với việc thu phí ATM nội mạng. Bà Nguyễn Thị Thu Trinh, Giám đốc DAB Bình Định, cho biết: “Hiện Chi nhánh đã phát triển được 16 máy ATM và đã phát hành khoảng 80.000 thẻ. Tuy nhiên, DAB chủ trương sẽ tiếp tục không thu phí ATM nội mạng trong năm 2013. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, DAB xác định luôn đồng hành và chăm sóc khách hàng. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều khách hàng, nhất là công nhân, người lao động phải “thắt lưng, buộc bụng” thì các NHTM cũng cần chia sẻ bớt khó khăn với khách hàng…”.
Theo ông Hoàng Thanh Vĩnh, Giám đốc NHTM cổ phần Quân đội - Chi nhánh Bình Định (MB Bình Định): Trước những khó khăn của khách hàng, MB rất cân nhắc về việc có nên thu phí thẻ ATM nội mạng hay không. Cuối cùng, lãnh đạo MB quyết định: Đến ngày 1.4.2013 mới thu phí thẻ ATM nội mạng. Tuy nhiên, việc thu phí này chỉ thực hiện vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật.
Theo Vụ Thanh toán - NHNN Việt Nam, hiện có 22 ngân hàng thông báo miễn thu phí thẻ ATM nội mạng; có 2 ngân hàng xây dựng mức thu từ 200-500 đồng/lần giao dịch nội mạng; 10 ngân hàng thu ở mức trần (1.000 đồng/lần giao dịch). Trên địa bàn tỉnh ta, theo thống kê của Chi nhánh NHNN Bình Định, hiện toàn tỉnh có 23 chi nhánh NHTM, với 126 máy ATM, 326 POS và khoảng 477.100 thẻ ghi nợ. Tuy nhiên, mới chỉ có vài chi nhánh NHTM thực hiện việc thu phí ATM nội mạng, trong đó có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Theo đó Vietcombank thu phí tối đa 1.100 đồng/giao dịch rút tiền; Chi nhánh SeABank thu 550 đồng/giao dịch. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), theo ông Phan Đình Trung, Giám đốc Agribank Bình Định, hiện chi nhánh có 30 máy ATM với khoảng trên 130.000 thẻ, đến 15.3 sẽ thực hiện việc thu phí nội mạng.
Đối với khách hàng, nhiều người không đồng tình trước việc thu phí ATM nội mạng nhất là giới công nhân, cán bộ công chức có thu nhập thấp và sinh viên, học sinh. Một khách hàng cho biết: Với đồng lương ít ỏi, lâu nay mỗi lần rút tiền, tôi phải mất công đi tới những cây ATM của ngân hàng mà mình mở tài khoản để khỏi mất phí ngoại mạng. Vậy mà giờ đây, đến rút tiền nội mạng cũng thu phí. Có lẽ từ nay mỗi lần lãnh lương tôi phải rút hết tiền một lần để khỏi tốn phí.
Có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thu phí ATM nội mạng. Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, chủ trương thu phí thẻ ATM nội mạng là cần thiết. Bởi lẽ, theo tính toán, hiện chi phí trung bình cho mỗi lần giao dịch rút tiền mặt ở Việt Nam là từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng. Nếu tính trên mặt bằng tối thiểu, các ngân hàng vẫn lỗ khoảng 6.000 đồng/giao dịch.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc người dân sử dụng thẻ ATM đã mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Chẳng hạn, theo quy định, mỗi chủ thẻ khi mở tài khoản ATM buộc phải để số dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản và bị giới hạn số tiền rút/lần, số tiền rút tối đa/ngày, hạn mức chuyển khoản… Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay phí dịch vụ ngân hàng không đi đôi với chất lượng, nhất là tình trạng “nuốt thẻ”; máy ATM hết tiền; không giao dịch nhưng vẫn bị trừ tiền.
Riêng đối với Chi nhánh NHNN Bình Định, với chức năng của mình, lãnh đạo chi nhánh vừa có văn bản yêu cầu các chi nhánh NHTM trên địa bàn phải kiểm tra, rà soát hệ thống ATM, hoàn thiện, cải tiến quy trình quản lý, vận hành hoạt động máy ATM; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và chất lượng phục vụ của mạng lưới; chú trọng công tác tiếp quỹ, lựa chọn các loại tiền đủ tiêu chuẩn tiếp quỹ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân; khi xảy ra các vấn đề bất thường phát sinh có thể gây rủi ro, mất an toàn trong hệ thống ATM của mình và đối với hệ thống ATM của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác phải báo cáo ngay về Chi nhánh NHNN tỉnh.
|