Nhân năm Du lịch Nghệ An:
Từ phên dậu quốc gia đến cửa ngõ thứ 4?
15:10', 5/10/ 2005 (GMT+7)

Có đủ sân bay quốc tế, cảng biển, ga xe lửa và quốc lộ 1A xuyên Việt, điểm đầu - cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây; giữ vai trò trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ; lại có cơ sở hạ tầng tốt nhất khu vực, Đà Nẵng đã trở thành một cửa ngõ lý tưởng nhận khách vào miền Trung, cửa ngõ thứ 3  vào - ra Việt Nam.

 

                                                             Nhà Bác Hồ ở Làng Sen

 

Vậy cửa ngõ thứ 4 sẽ ở đâu? Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, vị trí này sẽ thuộc về ứng cử viên biết phát huy tốt nội lực của mình và xác định đúng chiến lược đầu tư phát triển, trong đó có chiến lược phát triển du lịch.

Nghệ An là một cửa ngõ quan trọng của Du lịch xuyên Á trên tuyến hành lang Đông-Tây theo đường số 8 và đường số 7; là điểm khởi đầu của tour Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; điểm đầu - cuối của Con đường di sản miền Trung. Các tour, tuyến này đều có thể đón - trả khách bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Nối các tour với vùng du lịch trọng điểm phía Bắc đều rất thuận lợi, lộ trình hợp lý.

Có nghĩa là vị trí địa lý của du lịch Nghệ An rất lý tưởng. Vấn đề còn lại là đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thật tốt và xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đủ sức hấp dẫn để giữ chân du khách dài ngày và mời gọi du khách trở lại nhiều lần.

Tài nguyên du lịch Nghệ An đã được xác định là du lịch biển - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - khám phá tài nguyên rừng, du lịch văn hóa. Đây cũng là đặc điểm chung của nhiều tỉnh, thành vừa có rừng vừa có biển và giàu truyền thống lịch sử - văn hóa.

Thế nhưng du lịch biển Nghệ An không thể sánh kịp với Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng... Du lịch sinh thái không thể hấp dẫn bằng các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc. Du lịch văn hóa không thể xếp ngang hàng với Huế, với Quảng Nam. Cơ sở lưu trú thì hiện đang còn xếp hàng sau rất nhiều tỉnh thành.

Vì vậy, muốn hấp dẫn, thu hút du khách thì ngoài việc khắc phục điểm yếu Nghệ An phải sớm xác định rõ tiềm năng, lợi thế so sánh; phải quan tâm đầu tư đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, những sản phẩm "chẳng nơi nào có được" để đột phá.

Nghệ An và Hà Tĩnh đều là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và giàu truyền thống chiến đấu, truyền thống đấu tranh cách mạng. "Hai cây chụm lại" sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, phong phú sản phẩm vì hai tỉnh này tuy hai mà một, có đặc điểm địa lý giống nhau và cùng chung một vùng văn hóa.

Tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn của xứ Nghệ chính là những sản phẩm du lịch độc đáo. Nếu lợi thế cửa ngõ Đà Nẵng là tâm điểm của tam giác di sản văn hóa thế giới - cách Hội An, Mỹ Sơn trong vòng 50 km, cách Huế 100 km, thì thành phố Vinh, cửa ngõ Nghệ An, nằm ngay bên cạnh Tiên Điền, quê hương thi hào dân tộc Nguyễn Du và bên cạnh khu di tích Kim Liên, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc.

Đây chính là một lợi thế so sánh của du lịch Nghệ An. Nhưng, cho đến nay cả hai khu di tích này đều chưa được đầu tư ngang tầm nên hiệu quả khai thác chưa được như mong muốn.

Từ thành phố Vinh, dọc theo đường số 1, đường 8, đường 46, dọc theo sông Lam, sông La đều tổ chức được những tour khám phá thiên nhiên và văn hóa danh nhân, văn hóa dân gian xứ Nghệ. Tuyến Vinh - Nam Đàn có khu di tích Kim Liên, nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, di tích vua Mai Thúc Loan, đình làng Hoành Sơn, Trung Cần. Tour du lịch này có thể bằng đường bộ theo quốc lộ 46, có thể du thuyền dọc sông Lam. Nếu thiết kế tour thủy-bộ kết hợp thì càng tuyệt vời. Du khách theo đường bộ, sau khi thăm khu di tích Mai Hắc Đế thì chuyển đường thủy xuôi thuyền về Hoành Sơn, Trung Cần, trở lại Vinh, cập bến ở cung Phượng Hoàng Trung Đô, ở bến Cửa Tiền. Lộ trình thiết kế ngược lại nếu xuất phát bằng đường thủy. Tour này tổ chức cho du khách nghe hát phường vải ở làng Hoàng Trù và nghe hát các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, điểm nhấn là ví đò đưa, trên sông Lam.

 

                                                           Sông Lam núi Hồng

 

Tuyến Vinh - Nghi Xuân - Đức Thọ cũng có thể thiết kế đi đường bộ, đường sông; hoặc kết hợp giữa đường sông và đường bộ đều thuận lợi. Tuyến này điểm nhấn là di tích lưu niệm thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, di tích Nguyễn Công Trứ, đình Hội Thống (Nghi Xuân), di tích Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng, Trần Phú (Đức Thọ). Tổ chức cho khách nghe ca trù Cổ Đạm và nghe hát ví đò đưa trên sông La.

Đó là 2 trong rất nhiều tour du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, danh nhân xứ Nghệ. Để thu hút khách và giữ chân khách lưu trú dài ngày Nghệ An phải tổ chức thật tốt các lễ hội văn hóa, khai thác tốt yếu tố truyền thống và tâm linh để du khách có tập quán hành hương về với các lễ hội.

Lễ hội Làng Sen tuy mới hình thành nhưng là một thành công lớn của Nghệ An. Lễ hội tôn vinh danh nhân Hồ Chí minh, được hình thành trên cơ sở gắn kết giữa nghi lễ Nhà nước và nghi lễ cộng đồng dựa vào 3 yếu tố: Một là bức tranh làng quê Việt Nam tuyệt đẹp gắn với không gian giàu truyền thống văn hóa của Kim Liên - Nam Đàn và cuộc đời như một huyền thoại giữa trần gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai là yếu tố hành hương của cộng đồng. Mỗi năm có hơn 1 triệu lượt khách, năm 2005 dự kiến có 2 triệu lượt khách từ mọi miền đất nước trở về Làng Sen, Làng Chùa dâng hương tưởng niệm Người, viếng mộ thân mẫu của người trên non xanh Đại Huệ. Ba là Làng Sen, Làng Chùa đã đi vào lòng người và đã có ý nghĩa về tâm linh, có yếu tố thiêng trong tâm thức của con dân đất Việt. Vì thế Lễ hội Làng Sen đã có tính hồi tưởng sâu sắc, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về lòng bao dung, nhân hậu, về ý chí đấu tranh và khát vọng hòa bình, độc lập của Bác Hồ để mỗi người dân đều có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành...

Về Làng Sen, về xứ Nghệ du khách cảm nhận sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh. Sức mạnh của hồi tưởng sinh ra du lịch hồi tưởng, mở ra những triển vọng khai thác du lịch mạnh mẽ hơn nữa ở các di tích lịch sử cách mạng và danh nhân. Lễ hội Làng Sen cần được đầu tư, nâng cấp để trở thành lễ hội hàng năm có quy mô toàn quốc như lễ hội năm 2005 mới đây.

Các lễ hội khác cũng cần nâng cấp và duy trì hàng năm. Theo chúng tôi, trước mắt tập trung nâng cấp lễ hội Mai Hắc Đế và lễ hội đền Cuông. Lễ hội vua Mai góp phần làm sôi động tuyến du lịch Vinh - Nam Đàn. Nhân lễ hội này tổ chức các tour du khảo, hành trình văn hóa. Du khách về Nam Đàn trong những ngày này là trở về đất Hoan Châu phên dậu của quốc gia Đại Việt thời kỳ độc lập; về với kinh đô cũ của nước Việt Thành, Vạn An thế kỷ thứ VIII. Ở đó Mai Thúc Loan xây thành trên Đụn Sơn làm căn cứ kháng chiến, chống quân xâm lược nhà Đường. Nơi ấy là đất trùng lai địa thắng. Nơi ấy có một thời "Đụn Sơn phân giới, Nam Đàn hiển Thánh".

Lễ hội đền Cuông gắn với truyền thuyết An Dương Vương, với chuyện tình Mỵ Châu-Trọng Thủy, thuộc đề tài xây dựng đất nước và chống chiến tranh. Đối mặt với quân xâm lược nhà Tần, 2 bộ lạc lớn nằm rải rác từ Nghệ Tĩnh, Quảng Bình trở ra đến đồng bằng Bắc Bộ - bộ lạc Âu Việt và bộ lạc Lạc Việt - đã hợp nhất lại thành nước Âu Lạc do An Dương Vương Thục Phán đứng đầu. Nước Âu Lạc nối tiếp nước Văn Lang của các vua Hùng kiên cường chống giặc ngoại xâm. Khi thất trận, từ thành Cổ Loa An Dương Vương chạy vào Nghệ Tĩnh, trở về với đất mẹ, trở về với cội nguồn ở Ngàn Hống - Rào Rum(?).

Chúng tôi rất thích kiểu lập luận này bởi trong một số truyền thuyết dân gian và tài liệu cổ có cho biết, Thục Phán là con Thục Chế thuộc họ Hồng Bàng. Hùng Vương thứ nhất là con của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân là con trai của Kinh Dương Vương và bà Long Nữ, kết quả của mối tình ở ven biển Ngàn Hống - Rào Rum (núi Hồng - sông Lam)... Phong Châu là vùng đất về sau các vua Hùng xây dựng kinh đô?

Với ý nghĩa đó lễ hội đền Cuông cần được tổ chức với quy mô lớn hơn. Bởi vì An Dương Vương là người nối tiếp sự nghiệp của các vua Hùng.

Trong lòng du khách đến với lễ hội đền Cuông, lễ hội vua Mai, lễ hội Làng Sen đều có các yếu tố tâm linh, hồi tưởng và yếu tố hành hương. Các lễ hội hội đủ 3 yếu tố này sẽ tạo ra loại hình du lịch hồi tưởng, du lịch trở về cội nguồn thiêng liêng của dân tộc. Văn hóa danh nhân, văn hóa lễ hội, văn nghệ dân gian, văn minh sông nước của xứ Nghệ đều có thể trở thành những sản phẩm đặc thù, trở thành lợi thế so sánh của du lịch Nghệ An. Du lịch phát triển, điểm đến hấp dẫn, nhộn nhịp và an toàn góp phần quan trọng quyết định cửa ngõ thứ 4.

. Thanh Tùng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đắk Lắk: Xây dựng gần 6.700 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số  (05/10/2005)
Quảng Ngãi: xây nhà máy 250 triệu USD tại Dung Quất  (04/10/2005)
Phú Yên triển khai dự án giấy 1,1 tỉ USD  (04/10/2005)
Gia Lai: Một công ty tư nhân tạo việc làm cho 2.500 lao động  (03/10/2005)
Thắng cảnh Bàu Trắng - Bình Thuận  (02/10/2005)
Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông  (30/09/2005)
Về bãi biển Cửa Tùng  (29/09/2005)
Hồ Ya Ly - Một thắng cảnh kỳ vĩ của núi rừng Pleiku  (28/09/2005)
Tháp Bà Pô Nagar  (27/09/2005)
Chinh phục phố núi bằng xe máy  (26/09/2005)
Đại dương trong một con tàu  (25/09/2005)
Thưởng thức biển đêm Nha Trang  (23/09/2005)
Khai thông cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Đích đến đã gần  (22/09/2005)
Bảo tồn giá trị văn hóa làng, buôn truyền thống Tây Nguyên  (21/09/2005)
Hang Đá Nhà - Núi Giòn  (21/09/2005)