Ở các làng của người dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Bắc Tây Nguyên thường có Nhà Rông. Nhà Rông theo người Tây nguyên là ngôi nhà chung cho cả làng tụ tập vào những dịp lễ hội, ma chay, cúng tế, trò chuyện tập thể. Đồng thời nó cũng là nơi lưu giữ những "tài sản" của làng như chiêng trống, giáo mác, cung ná cùng những sừng thú khi thành viên của làng săn được…
|
Nhà Rông Tây Nguyên - ảnh Văn Hóa Việt Nam |
Nhưng điều quan trọng hơn, có lẽ Nhà Rông là nơi nhìn vào đấy để đánh giá tài năng và hiểu thêm về nét văn hóa của một cộng đồng dân tộc đã tự vươn lên bằng chính khả năng của mình trong muôn vàn thử thách rất khắc nghiệt của thiên nhiên.
Theo lưu truyền thì việc xây dựng Nhà Rông cũng phải tuân theo nghi thức cụ thể và trang trọng. Ngay từ khi chuẩn bị cho ngôi nhà, già làng tụ tập tất cả những người tài giỏi nhất trong làng để hội bàn. Họ bỏ ra hằng tuần, thậm chí hằng tháng để chọn nơi dựng Nhà Rông.
Nơi dựng Nhà Rông phải là nơi cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, là trung tâm của làng, đi từ các con đường về, từ xa phải nhìn thấy mái Nhà Rông và khu đất ấy phải bằng phẳng, rộng đủ để "chứa" số người ít nhất là gấp ba lần số người của làng. Ngày vào rừng chọn gỗ được tổ chức rất chu đáo. Trước đó 9 ngày, 9 người được già làng chọn để "trao đổi" về hướng đi vào rừng. Hôm ấy sẽ được tổ chức một cái lễ nhỏ bằng thịt gà, cơm nếp, thầy mo đến cúng. Tất cả những gì bàn bạc đều phải được các thành viên giữ kín cho đến trước khi xuất phát 3 ngày. Bởi sau 6 ngày kể từ khi "họp", mỗi thành viên phải chọn thêm một đến hai người có sức khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát để cùng đi với đoàn.
Để chuẩn bị cho chuyến hành trình, tất cả những thành viên đều phải tự lo tư trang, lương thực đủ dùng trong 9 ngày. Ngày đầu tiên vào rừng, người "thợ cả" dẫn đầu đoàn. Khi tìm được cánh rừng có nhiều gỗ tốt, cả đoàn dừng lại, người "thợ cả" cùng 8 người nữa vác rìu chọn một cây to, cả 9 người đứng vòng quanh, giơ rìu hú 9 tiếng lớn. Sau đó, mỗi người chặt chín nhát vòng quanh cây rồi về nơi tập kết của đoàn nghỉ ngơi.
Từ ngày hôm sau, cả đoàn bắt đầu khai thác, miễn là có đủ bốn cây cột góc cho ngôi nhà thì được về làng. Mỗi cây cột góc khi chưa đo cắt trước khi dựng thường dài năm mét, đường kính khoảng sau, bảy mươi phân trở lên. Những cây cột này đều là gỗ lõi nên việc chặt, đẽo để thành cây cột từ những cây gỗ có đường kính hàng mét là một việc không đơn giản chút nào, nhất là lại dùng bằng rìu, rựa.
Ngày dựng Nhà Rông là một ngày hội của làng, thường là trong tháng 10 âm lịch. Khi ấy thời tiết của Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa khô, trời xanh thăm thẳm, thỉnh thoảng còn sót vài đám mây trắng vẩn vơ lưng trời. Gió nhè nhẹ, cái nắng chưa chói chang lắm. Tất cả "nguyên vật liệu" cho ngôi nhà đã được "tập kết" ngay tại khu vực sẽ làm sân Nhà Rông.
Sau bài cúng tập thể đầu tiên của 8 già làng bên cái lễ bằng gà và theo cùng 12 ché rượu cần, tiếng của dàn chiêng 12 chiếc bắt đầu nổi lên, tốp múa gồm 12 cô gái mặc trang phục dân tộc nhập vào cùng đội chiêng để "xoang" quanh mâm cũng khi bài cúng thứ năm, là bài cuối cùng kết thúc.
Nhà Rông thường có chiều dài khoảng 10m, rộng hơn 4m. Nhiều nhà có kích cỡ lớn hoặc nhỏ hơn một chút. Khi dựng nhà, các nghệ nhân thường ngẫu hứng, nên chiều dài, rộng ở các Nhà Rông không theo một quy chuẩn nào. Có ngôi, chiều dài đo được 9,6m, nhưng có ngôi lại đo được 10,25m, lại có những ngôi chỉ có 8,84m, chiều rộng và chiều cao cũng vậy. Nhiều ngôi Nhà Rông cao tới 15,16m, nhưng có những ngôi chỉ cao 7-8m…
Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn phải kể đến trong phần kết cấu của ngôi nhà. Nhà 6 cột, nhà 8 cột, nhà 9 cột, có nhà phải dùng đến 12 cột. Mỗi dân tộc có những "thiết kế" khác nhau về hệ thống khung nhà. Người Bah Nar dùng nhiều cây dằn chéo dài để tạo sự kết cấu vững chắc cho toàn bộ phần mái. Người Xê Đăng lại không cần nhiều giằng mà chỉ có các cây liên kết như các vì kèo hay trính của người Kinh.
Điều quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc Nhà Rông của người Tây Nguyên là họ không dùng đến một chút gì gọi là sắt thép. Các chỗ nối, chắp đều được chặt, đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc. Từng mối buộc của các dân tộc cũng khác nhau. Người Jơ Rai có nút buộc xoắn chéo như đan từng lớp với nhau tạo ra từng múi, trong đẹp và rất chắc. Người Jẻ Triêng lại buộc kết vòng như người Kinh nhưng cái xoắn cuối cùng được giấu vào trong, về phía trên nên nhìn từ dưới lên không thấy được.
Còn cầu thang lên Nhà Rông, các dân tộc thường đẽo 7 đến 9 bậc. Chỉ có trên đầu cầu thang ấy khác nhau. Người Bah Nar là hình ngọn cây rau dớn, người Ja Rai là hình quả bầu đựng nước, người Xê Đăng, Jẻ Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền… có Nhà Rông, trên nút đầu của cầu thang lại tạo dáng hình ngực thiếu nữ…
Kể từ ngày Nhà Rông được khánh thành, con trai làng chưa vợ đều phải đến đây ngủ để bảo vệ làng.
Nhà Rông - kiến trúc và việc sử dụng là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
. Theo báo Đắk Nông
|