Trong lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bao giờ Chinh Chiêng cũng giữ một vai trò quan trọng. Nó là chiếc cầu nối tâm linh giữa cộng đồng làng với Yàng, giữa người sống với người đã mất, giữa niềm vui với nỗi buồn. Qua tiếng Chinh Chiêng, khát vọng lại bừng lên trong mỗi người, tạo ra cuộc sống mới đầy niềm tin và hy vọng…
|
Lễ hội đâm trâu (ảnh: Đào Tiến Đạt)
|
Chinh là loại cồng không có núm còn Chiêng là loại cồng có núm. Chinh Chiêng là nhạc cụ được dùng trong các nghi lễ của đồng bào Tây Nguyên. Ngày nay, theo sự phát triển của đời sống xã hội, Chinh Chiêng đã tham gia vào các yêu cầu của lễ hội, tham gia biểu diễn văn nghệ.
Nhiều nơi, tiếng Chiêng đơn đã tham gia với tư cách mở màn cho một cuộc vui, một lễ hội hay khai mạc một chương trình nào đó thay cho trống mà trước đây người ta vẫn dùng.
Chiêng được đúc bằng hợp kim đồng thiếc, có pha hàm lượng chì, âm thanh vang, khỏe, trong, có nhiều bồi âm. Sau khi đúc, tất cả các chiêng đều phải được một nghệ nhân "chuyên nghiệp" chỉnh lại âm thanh. Nghệ nhân này phải có đôi tai thẩm âm tốt, được dân làng tin cậy. Dụng cụ chỉnh âm là những chiếc búa, thanh sắt nhỏ và dây treo Chiêng. Công việc này rất phức tạp nên nghệ nhân phải mất hàng ngày có khi hàng tuần cho một bộ Chiêng mới.
Những bộ Chiêng cũ để chỉnh âm thanh cũng phải mất mấy ngày. Để chỉnh Chiêng, nghệ nhân treo chiếc Chiêng mẫu lên một cây tre hoặc gỗ được bắc ngang trước mặt, sau khi gõ búa, sửa Chiêng rồi đánh vào Chiêng mẫu, khi nào thấy có sự cộng hưởng của hai chiếc Chiêng đồng âm thì được.
Điều đặc biệt là ở Tây Nguyên, các bộ Chiêng thuộc các tỉnh, huyện, làng cách xa hàng trăm cây số nhưng khi được mang đến để thẩm âm hay cùng "đánh" trong một lễ hội, âm thanh của chúng vẫn đều đạt sự tuyệt đối về độ chính xác so với âm chuẩn.
Chinh còn gọi là Chiêng bằng, được đúc bằng đồng thau, mỏng hơn, thành thấp hơn Chiêng, nhưng âm thanh vang, tiếng trong và lảnh lót hơn Chiêng. Hiện nay, Chinh Chiêng đã được "đồng hóa" với nhau, bởi trong dàn Chinh thì có cả Chiêng và có cả Chinh. Phần lớn, một dàn có 12 chiếc thì Chiêng chiếm khoảng 5 chiếc ở phần âm thanh trầm, còn lại Chinh giữ phần giai điệu.
Những chiếc Chiêng lớn đi đầu dàn thường có đường kính bảy, tám mươi phân. Nó nhỏ dần về sau dàn cho đến chiếc cuối cùng, thường là Chinh đường kính chỉ chừng hai mươi phân. Có lẽ đồng bào Tây Nguyên đã phát hiện ra sự trong trẻo của những chiếc Chinh nên đã xếp nó vào hàng sau để đảm nhận phần giai điệu.
Trong dàn "Cồng Chiêng" ở các lễ hội thường có Chiêng So, là loại cồng cổ xưa có núm, Chiêng So được dùng trong Lễ đâm trâu tạ ơn. Trong Lễ đâm trâu tạ ơn, ngoài các loại cồng còn có một trống lớn và hai đến bốn trống nhỏ. Trống lớn thì hai người khiêng, có người đánh riêng đi cùng, còn trống nhỏ thường có bốn chiếc với bốn người đeo, vừa đi vừa đánh.
Trong nhiều lễ hội, phần "trầm" của Chiêng So được bổ sung thêm hai đến ba Chiêng có âm thanh cao hơn các Chiêng chính một quãng năm hay một quãng tám. Còn phần giai điệu thì hầu hết do các nghệ nhân thể hiện qua tiếng Chinh. Nhiều lễ hội, Chinh Chiêng được bố trí với số lượng không giống nhau. Dàn Chiêng của người Ba-na dùng trong lễ đâm trâu, lễ hội Pơ-thi thường có tới 12 chiếc, còn với người Jơ-rai, cũng trong nghi lễ ấy chỉ có 10 chiếc, có làng chỉ có 8 chiếc. Nhưng có dàn Chiêng lại lên đến 14, thậm chí 16 chiếc. Có sự phân bổ không đồng đều này được giải thích là, có khi thiếu người thì dàn Chiêng ít, khi cần độ vang lớn thì lại được bổ sung thêm cho nhiều Chiêng lên. Còn dàn Chiêng AVơng thì có thêm 2 chiếc Chinh được bổ sung vào để tăng âm thanh ở phần giai điệu.
Đây là sự sáng tạo của người Ba-na cách đây mới vài chục năm. Nó chủ yếu phục vụ những đêm hát "giao duyên" của trai gái trong các làng.
Chiêng có thể được theo thành dàn trên một cây tre dài hoặc từng người cầm, đeo, vừa đi vừa đánh. Cách đeo, cầm, vừa đi vừa đánh thường được sử dụng nhiều hơn vì nó uyển chuyển, phù hợp với giai điệu, tiết tấu và người chơi cũng có điều kiện để thể hiện tài năng diễn tấu hơn.
Chinh Chiêng của đồng bào Tây Nguyên thường được mua ở Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan. Có ý kiến cho rằng, trước đây người Tây Nguyên đã từng làm Cồng Chiêng nhưng nay thì không thấy nữa. Chỉ còn dấu tích một số "lò rèn" loại nhỏ chuyên đúc Chiêng và các dụng cụ sản xuất khác ở Đak Hà (Kon Tum), Kon Chro (Gia Lai). Những lò rèn này, sau nhiều thế hệ, đến nay chủ nhân của nó đã bỏ, không sản xuất gì nữa, nhất là sau giải phóng. Hiện nay đồng bào thường đổi trâu bò lấy Cồng Chiêng. Có bộ Chiêng quý phải đổi bằng mấy chục con trâu lớn.
Đồng bào Ba-na, Jơ-rai, Ê-đê… khi đánh Chiêng cũng khác nhau. Người Ê-đê đánh Chiêng trong nhà dài thường ngồi để đánh. Còn người Ba-na rất ít khi đánh Chiêng trong nhà, thỉnh thoảng chỉ đánh ở Nhà Rông với một số nghi lễ như cũng Yàng hoặc khi những người đi săn được những con thú lớn mang về làng, hay khi cất những "vật thiêng" của làng lên vách, nóc Nhà Rông.
Điều đặc biệt ở Tây Nguyên chỉ có con trai đánh Chiêng, còn con gái thì không bao giờ được "đụng" vào Chiêng, kể cả khi mang vác.
Vào mùa lễ hội, các làng bản Tây Nguyên đâu đâu cũng rộn rã tiếng Chiêng. Có những lễ hội kéo dài mấy ngày với nhiều làng cùng tham dự. Trong những lễ hội ấy, mỗi làng đến dự đều có đôi Chiêng, đội múa riêng. Sắc thái của từng đội Chiêng, đội múa đều phụ thuộc vào "phong cách" của từng làng. Trang phục của đội Chiêng, múa ở những lễ hội này rất "chuẩn", đó đảm bảo nghiêm ngặt tính truyền thống của dân tộc.
Quả thực, trong những lễ hội của đồng bào Tây Nguyên, sự hòa quyện, tính đồng nhất giữa trang phục và cách trình diễn cùng âm hưởng của tiếng Chinh Chiêng luôn tạo nên không khí hứng khởi đến tuyệt vời cho mỗi người tham dự. Nhất là khi những ché rượu cần đã được vít cong cần, những gương mặt ngời lên trong bập bùng ánh lửa. Khi ấy, tiếng Chinh Chiêng rộn rã cùng những bước chân trần nghe loạt soạt trên cỏ của những vòng xoang lượn vòng quanh đống lửa mới thấy sự huyền diệu của lễ hội Tây Nguyên.
. Theo Hà Nội mới |