Ngày 1-10-2005, TP Huế đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận "Huế là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế". Đây là một sự kiện hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân và Đảng bộ TP Huế. Quyết định này thực sự tạo ra một cơ hội, động lực mới để thành phố ngày càng phát triển nhanh và toàn diện hơn…
Huế có diện tích gần 7.000 ha, gồm 20 phường, 5 xã với hơn 321 nghìn dân. Huế - cố đô của Việt Nam - nơi có 2 di sản văn hóa nhân loại được UNESCO công nhận và được Chính phủ chỉ đạo xây dựng trở thành Thành phố Festival đặc trưng của cả nước và được xác định là trung tâm cấp quốc gia, là trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, là điểm đến của bạn bè, du khách quốc tế.
Những năm gần đây, công tác phát triển đô thị được xác định là một trong những chương trình trọng điểm ở Huế. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, đô thị cũ chỉ như chiếc áo hẹp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị loại 1 nên vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị Huế sao cho xứng tầm ngày càng trở nên bức thiết.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Minh Dũng, Phó giám đốc Sở xây dựng, định hướng phát triển của đô thị Huế là tập trung quy hoạch chi tiết một số khu dân cư (KDC) vừa phục vụ giải tỏa sông Ngự Hà, Thượng Thành, vừa chỉnh trang, mở rộng đô thị về phía bắc; tại Hương Sơ, xây dựng khu đô thị và một số cơ sở hạ tầng, trường dạy nghề, cụm công nghiệp; khu vực Kim Long, Hương Long ngoài việc chỉnh trang sẽ quy hoạch một số khu dân cư xen ghép tập trung, nhưng lấy kiến trúc nhà vườn làm chủ đạo; vùng Phú Hiệp, Phú Hậu xây dựng một số khu dân cư phục vụ công tác chỉnh trang đô thị như: Bãi Dâu, Phú Hậu, Thị Sắc; một số công trình phúc lợi xã hội như chợ đầu mối mở tuyến đường dọc theo sông Hương từ cầu Gia Hội đến cầu Chợ Dinh để chỉnh trang và khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch. Phía tây nam Huế được xác định là vùng cảnh quan, nên chỉ phát triển các công trình có quy mô nhỏ, các công trình văn hóa vui chơi giải trí phục vụ chỉnh trang đô thị và xây dựng vùng cảnh quan du lịch.
Có lẽ, hướng phát triển mạnh nhất của đô thị Huế là hướng đông và đông nam. Để phục vụ phát triển, mở rộng đô thị, khai thác quỹ đất và tạo sự liên kết giữa các khu đô thị, Huế tập trung đầu tư tuyến đường Tự Đức - Thủy Dương nối với tuyến đường Thủy Dương - Tân Mỹ đi qua các xã Thủy Dương, Thủy Vân, Phú Mỹ, Phú Thượng.
Hiện nay, có 15 dự án xây dựng các khu đô thị mới của 12 chủ đầu tư đã được phê duyệt, với tổng diện tích khoảng 700 ha. Đặc biệt, khu đô thị mới An Vân Dương có tổng diện tích khoảng 1.700 ha trải rộng trên địa bàn thành phố Huế, huyện Phú Vang, Hương Thủy đã được quy hoạch. Tại khu đô thị mới An Vân Dương đã có 7 dự án đang khởi động.
Ngoài ra, còn một số dự án đang được các chủ đầu tư tích cực triển khai thi công như khu đô thị mới đông nam Thủy An, khu đô thị mới Thủy An, khu đô thị mới Mỹ Thượng (Phú Thượng - Phú Mỹ), khu đô thị mới Tự Đức - 1A.
Trước những tồn tại, bất cập và yêu cầu trong quá trình phát triển đô thị Huế, gần đây tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo tập trung phát triển các đô thị mới theo định hướng xây dựng các đô thị sinh thái, gắn kết đô thị truyền thống với đô thị hiện đại; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động cho bộ phận dân cư trong khu vực đền bù giải phóng mặt bằng…
Các đô thị mới là bộ mặt của Huế trong thời kỳ CNH-HĐH, phải được xây dựng theo tiêu chí của đô thị hiện đại, hệ thống hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng phải được đầu tư đồng bộ và đi trước một bước. Để làm được điều này thì công tác quy hoạch, thẩm định và quản lý quy hoạch phải được nâng cao, thực hiện đúng quy trình.
Đối với các khu đô thị cũ, việc cần thiết là sớm hoàn thành việc quy hoạch chi tiết các phường còn lại và điều chỉnh các đồ án quy hoạch đã quá thời gian thực hiện để làm cơ sở cho việc chỉnh trang đô thị. Trong quá trình chỉnh trang đô thị Huế, vấn đề bảo tồn di tích luôn được đặt lên hàng đầu, theo hướng bảo tồn để phát triển.
Tuy nhiên, để đô thị Huế phát triển thành đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cho tổ chức thi tuyển đồ án quy hoạch chung TP Huế, làm cơ sở điều chỉnh theo quy hoạch cũ. Theo quan điểm chung, quy hoạch phải gắn kết các khu đô thị và khai thác, phát huy các kiến trúc đặc trưng của TP Huế. Các khu đô thị mới dù hiện đại, nhưng vẫn tìm được tiếng nói chung trong ngôn ngữ kiến trúc của Huế.
Để tạo sự gắn kết các khu đô thị, vấn đề đầu tư đấu nối hệ thống hạ tầng giữa các dự án, các khu quy hoạch cũng cần phải được quan tầm đầu tư.
Điều không kém phần quan trọng trong quá trình phát triển đô thị là xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Với những người nông dân sống bên lũy tre làng từ bao đời nay, quen nếp sinh hoạt nông thôn, nay thành người dân thị thành nên chưa thể một sớm một chiều thay đổi, làm quen nếp sống đô thị. Vì vậy, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho người dân, tránh cảnh "nông thôn hóa đô thị".
. Theo Báo Công an Đà Nẵng |