Trong một cuộc hội thảo phát triển kinh tế xã hội khu vực tại Đà Nẵng cách đây vài năm, một chuyên gia Nhật Bản, ông Katsunary Suzuki đã cho rằng, trong tương lai miền Trung có vai trò then chốt trong quá trình đưa Việt Nam đi vào thế ổn định và phát triển với vị trí trọng yếu của khu vực.
|
Cầu sông Hàn - ảnh Danangtourism |
Dù bức tranh kinh tế - xã hội vẫn chưa có được những gam màu mạnh như mong muốn, do điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Nhưng vài năm gần đây, những cái tên Dung Quất, Chu Lai, Chân Mây, Cam Ranh, Lao Bảo, Ialy… cũng đang làm lay động lòng người.
Suốt một dải đất từ Ninh Thuận đến Quảng Bình rồi lên Tây Nguyên, vài năm gần đây đâu đâu người ta cũng nhận ra sự gấp gáp trong hoạch định chính sách và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Có thể bắt đầu từ Đà Nẵng với Nghị quyết 33 (tháng 10-2003) của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng đô thị này thành trung tâm, có tính động lực để kéo đoàn tàu miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc.
Trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997, chỉ trong vòng 8 năm, qua công việc chỉnh trang và thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội lớn, Đà Nẵng đã thay đổi toàn bộ diện mạo của thành phố. GDP của Đà Nẵng tăng gấp 3 lần và đạt tốc độ tăng bình quân trên 11%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4 lần; nông nghiệp tăng 1,5 lần; dịch vụ có bước chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2 lần; thu ngân sách năm 2004 đạt trên 4.000 tỉ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 1996…
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thì Đà Nẵng đã thực sự thay đổi mạnh mẽ từ lượng đến chất; cả về kinh tế lẫn văn hóa. Nhưng cái được lớn nhất ở đây là lòng dân. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Và chính sự đồng thuận đó đã trở thành nguồn lực to lớn ủng hộ, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và phát triển TP, là bệ phóng để Đà Nẵng tăng tốc và cất cánh.
Bài học từ Đà Nẵng, các địa phương miền Trung có thêm một bài học thực tế sinh động. Các tỉnh đã biết khai thác tiềm lực sẵn có để "tự cứu". Thuận lợi hơn, năm 2004-2005, Bộ Chính trị đã cho phép từ Bình Định đến Thừa Thiên - Huế trong bán kính 500 km, hình thành 5 khu kinh tế, công nghiệp tựa vào nhau để cùng phát triển.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đầu tư những hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản trị giá từ hàng ngàn tỉ đồng đến hàng tỉ đô la như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường hầm Hải Vân, đường Trường Sơn công nghiệp hóa từ Quảng Bình đến Kon Tum… Cách Đà Nẵng 70 km, Chu Lai, Dung Quất với hàng chục cơ sở công nghiệp nhanh chóng lấp đầy, khẳng định là hai trung tâm kinh tế mở và công nghiệp lọc dầu duy nhất của đất nước.
Hai con đường Nguyễn Tất Thành và Sơn Trà - Điện Ngọc được mở mới, đẹp không khác gì tranh vẽ là động thái từ bỏ tâm lý "quay lưng ra biển" của Đà Nẵng. Trước đó là Nha Trang, sau là Phú Yên, Bình Định… Các tỉnh miền Trung đang quyết tâm đón gió từ biển. Bờ biển miền Trung bây giờ nhộn nhịp các công trình xây dựng khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp với số vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la như Mỹ Cảnh, Lăng Cô, Furama, Vegas, Non nước, Kim Vinh, Indochine, Hội An Beach, Tam Hải, Ninh Vân, Hòn Ngọc Việt, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam…
Sôi động nhất có thể kể đến Quảng Nam và Khánh Hòa. Ba vịnh biển Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong đang được khai thác khá tốt. Nhiều khu du lịch tầm cỡ thế giới đang hình thành và nhanh chóng đưa địa danh này vào danh sách những vịnh đẹp nhất thế giới.
Còn dọc bờ biển từ Điện Ngọc đến Hội An của Quảng Nam, trong vòng 5 năm (2000- 2005), khu du lịch cũng đã lần lượt mọc lên dày đặc, mang lại hàng chục nghìn vị trí làm việc cho người lao động và đóng góp phần khá lớn cho ngân sách địa phương. Bình quân năm 2004, các tỉnh miền Trung đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan (quốc tế chiếm khoảng 40%). Theo nhận định của các chuyên gia thì hầu hết tìm đến đây là nhờ sức thu hút của biển.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh miền Trung trong năm 2004 và 6 tháng đầu năm 2005 đều đạt trên 9%, cao so với cả nước, trong đó tỉ trọng dịch vụ - du lịch chiếm từ 34% đến 44% cơ cấu kinh tế của một số tỉnh, thành. Điều đó cho thấy công nghiệp và dịch vụ, du lịch đang trở thành thế mạnh được ưu tiên phát triển với hy vọng làm đổi thay nhanh chóng cơ cấu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Có thể hôm nay trong danh sách nghèo nhất nước, vẫn có tên nhiều địa phương miền Trung, nhưng rồi những cái tên Chu Lai, Dung Quất, Đà Nẵng, Chân Mây, Phương Mai, Vân Phong, Cam Ranh… trong tương lai sẽ là làn sóng thứ ba, sau các vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam, miền Trung sẽ nhanh chóng hòa nhập và góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước đúng như người chuyên gia Nhật đã từng dự báo.
. Theo Lao động |