Ghi ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
9:42', 21/10/ 2005 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ 30 năm, nhưng những câu chuyện về người lính "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" còn như mới hôm qua. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc ròng rã hơn 20 năm, Trường Sơn đã viết nên thiên anh hùng ca bất tử, gắn với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là lớp lớp thế hệ bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu và hy sinh cho đến thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân 1975. Máu xương các chị, các anh đã hóa tượng đài nơi đất lửa, nơi ấy là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Viếng đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (ảnh: TTO)

Đến Nghĩa trang hôm nay, ít ai không bồi hồi nhớ lại cuộc chiến khốc liệt của lịch sử đấu tranh chống Mỹ, cứu nước và trong đó có chiến trường lớn trên tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Suốt 16 năm ròng, hàng vạn người con của các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc đã dốc hết sức lực, trí tuệ và tuổi thanh xuân, chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta bị tạm thời chia cắt thành 2 miền, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành ranh giới tạm thời.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc chấp nhận gian khổ, hy sinh để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam, Đảng ta quyết định lập tuyến giao thông vận tải xuyên dọc Trường Sơn. Ngày 19-5-1959, tuyến quân sự Trường Sơn được thành lập, trọng trách nặng nề và vinh dự lớn lao này được giao phó cho cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Với phương châm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy, mưu trí, sáng tạo trong soi đường, mở lối, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng một tuyến đường vận tải chiến lược với tổng chiều dài gần 17 nghìn km, nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Cả Trường Sơn ào ào ra trận. Binh chủng nào, phân đội nào cũng có những sự tích anh hùng, những chiến công huyền thoại.

Trong cuộc đọ sức giữa tinh thần, ý chí với vũ khí hiện đại, đế quốc Mỹ đã điên cuồng ném xuống tuyến đường Trường Sơn trên 40 triệu tấn bom và hàng triệu lít chất độc hóa học. Nhưng cuối cùng, Mỹ đã thất bại trước sự kiên trung, anh dũng của những người lính Trường Sơn.

Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành "sứ mệnh" lịch sử của mình. Trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt kéo dài 60.000 ngày đêm ấy, hơn 2 vạn cán bộ, TNXP, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, văn nghệ sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm, tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường.

Chiến tranh kết thúc, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và sự thôi thúc từ trái tim của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, một nơi an nghỉ ngàn thu vĩnh hằng được chọn trên đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, Gio Linh, Quảng Trị, địa danh khởi đầu của huyền thoại Trường Sơn.

Trên diện tích 39,8 ha với dãy đồi núi trập trùng, nơi đầu nguồn của dòng Bến Hải, bên đường Hồ Chí Minh, một không gian vừa trữ tình vừa bi tráng, phù hợp với những giao cảm tâm linh giữa người mất, người còn. Nghĩa trang là nơi trở về của đạo lý, của lòng kiêu hãnh dân tộc và là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 10.263 liệt sĩ (trong đó còn 68 anh hùng liệt sĩ chưa xác định danh tính). Những người con ưu tú của mọi miền đất nước đã an nghỉ ở đây, những người đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lập nên những chiến công huyền thoại và làm nên sự bất tử của Trường Sơn.

Qua 3 lần tôn tạo, trùng tu, nâng cấp, Nghĩa trang Trường Sơn đã mang một diện mạo mới, xứng tầm với nghĩa trang Quốc gia và là một công trình tâm linh văn hóa, một di tích lịch sử của chiến tranh cách mạng thế kỷ XX. Nghĩa trang được quy hoạch thành 7 khu, gồm các khu: khánh tiết, khu tưởng niệm, khu quần tượng, khu 2-3-4-5 là phần mộ của các liệt sĩ ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Những người con ưu tú của vùng đông Bắc, tây Bắc, sông Hồng, khu IV, khu V, Tây Nguyên hay tận trời Nam Tổ quốc được quy tập về đây, nằm kề bên nhau như thủa ở chiến trường.

30 năm qua, các chị, các anh yên nghỉ vĩnh hằng trên những sườn đồi Bến Tắt, nằm lại giữa lòng đất Quảng Trị nhọc nhằn mà thủy chung son sắt. Sự kiên trung của các chị, các anh đã hóa thành hồn thiêng Tổ quốc. Hằng năm, Đảng và Nhà nước đều cử đoàn cán bộ về đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm và chăm sóc các phần mộ liệt sĩ Trường Sơn, để hương hồn các anh, các chị luôn được sưởi ấm. Hàng triệu lượt người đã hành hương về đây, kính cẩn nghiêng mình và tri ân những anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những người cha, người mẹ, người vợ, người chị, người em, người anh về đây để tìm lại bóng dáng người thân mấy mươi năm biền biệt không về. Những cựu binh hành hương về đây để thăm lại chiến trường xưa và thức dậy ký ức Trường Sơn cùng đồng đội.

Còn với tôi, người may mắn sinh ra trong thời bình, được đến với Nghĩa trang Trường Sơn, thắp nén hương trầm bên những ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ, mới cảm nhận được một phần sự khốc liệt của chiến tranh, hiểu thêm về giá trị của độc lập - tự do mà thế hệ chúng tôi chỉ được học qua trang sách thời bình. Những câu chuyện có thật nơi đây đã cắt nghĩa cho tôi niềm vinh quang và mất mát, nỗi đau và hạnh phúc sau cuộc chiến trường kỳ của dân tộc.

Tạm biệt Nghĩa trang, trời chiều Quảng Trị mưa giăng giăng như nước mắt trần ai, Trường Sơn khuất sau lưng với một màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, của cây cối đơm hoa, kết trái. Tôi chợt nhớ 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu "Trường Sơn đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình"… và thấy mình thật nhỏ bé…

. Theo Báo Ninh Bình

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Hang và Giếng Phật (Nha Trang)  (20/10/2005)
Miền Trung - từ đôi chân trần đi lên  (19/10/2005)
Huế vươn mình  (18/10/2005)
Đà Nẵng: Khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho công nhân, sinh viên  (17/10/2005)
Khám phá rừng Madagui  (17/10/2005)
Hơn 1.700 tỉ đồng phát triển mạng viễn thông nông thôn miền Trung  (16/10/2005)
Quảng Nam được chọn là nơi tổ chức Năm du lịch quốc gia  (14/10/2005)
Ngũ Hồ - Kiệt tác thiên nhiên của núi rừng Bạch Mã  (14/10/2005)
Du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát - Nghệ An  (13/10/2005)
Rộn rã Chinh Chiêng  (12/10/2005)
Bình Thuận với Lễ du lịch hội tụ xanh  (11/10/2005)
Thiên Ấn Niên Hà  (10/10/2005)
Nhà Rông   (09/10/2005)
Thành phố bên bờ sông Trà   (07/10/2005)
Thác Đỗ Quyên của núi rừng Bạch Mã  (06/10/2005)