Người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt, chúng ta vẫn thường gọi một cách thân quen là mẹ Suốt, sinh năm 1906 ở Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang chiến tranh, bắn phá ác liệt các trục giao thông, bến phà, nhất là trên con sông Nhật Lệ được xem là huyết mạch của Quảng Bình, của miền Trung, ở đó mẹ Suốt đã dũng cảm chèo đò chở bộ đội, vũ khí, chở hàng hóa cần thiết từ bờ Bắc sang bờ Nam.
Người ta ước tính, mỗi năm con đò của mẹ qua lại đến 1.400 chuyến. Ngày 13-10-1968, trong một trận bắn phá dã man của máy bay Mỹ, mẹ đã ngã xuống bên mái chèo quả cảm. Trước đó, năm 1967, mẹ đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Mẹ Nguyễn Thị Suốt ở Quảng Bình trở thành đề tài xúc động và hào sảng cho biết bao tác phẩm văn học - nghệ thuật, về một người phụ nữ bình dân, một người mẹ chỉ với mái chèo và trái tim yêu nước, thương nhà mà quyết sống mái với quân thù, để lại tiếng thơm muôn thuở.
Tiêu biểu và xuất hiện sớm có thể kể tới bài thơ "Mẹ Suốt", viết ngày 4-1-1965 của nhà thơ lớn Tố Hữu, người được GS Hà Minh Đức xem là "miêu tả thành công hình ảnh người mẹ trong thơ Việt Nam hiện đại":
"Gan chi gan rứa mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai
Chẳng bằng con gái con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò!"
Đến năm 2003, vào dịp cả nước ta mừng lễ Quốc khánh 2-9, tượng đài mẹ Suốt và quần thể khu tưởng niệm được cắt băng khánh thành. Tượng cao 7m (tính cả bệ), khuôn mặt hướng ra sông Nhật Lệ, cách bến đò xưa hơn 50m.
Xin nói thêm một chút về tác giả tượng đài. Đấy là nhà điêu khắc Phan Đình Tiến. Năm 1994, anh đã nhận giải Nhất điêu khắc về đề tài chiến tranh cách mạng ở Thừa Thiên- Huế. Tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường ĐH Mỹ thuật Huế năm 1995, do học giỏi anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Không yên vị tại đó, miền gió Lào cát trắng của Quảng Bình, với thật nhiều sự tích kháng chiến hào hùng, lặng lẽ đã thôi thúc anh trở về quê hương, tìm hiểu thêm thực tế, từ đó nuôi mầm sáng tạo.
Tượng đài mẹ Suốt chính là bài thi tốt nghiệp của anh. Ý tưởng mẫu tượng tròn, cùng phù điêu khắc họa người mẹ Việt Nam anh hùng cầm chắc mái chèo, vươn giữa trời mây, sóng gió, bom đạn quân thù; người mẹ cài tấm khăn dù trên vai và hình ảnh bộ đội, dân công, thương binh, thanh niên xung phong vây quanh mẹ… tất cả tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật có sức khái quát mạnh về cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ của dân tộc ta.
Hiện nay, Phan Đình Tiến là ủy viên thường trực Hội VHNT Quảng Bình, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại quê nhà.
Như vậy, không chỉ dựng "tượng đài" trong thơ ca, từ năm 2003, tại TP Đồng Hới tỉnh Quảng Bình hình ảnh người mẹ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt nổi tiếng khắp thế giới, đã được dựng thành tượng đài thật!
. Theo Báo Nghệ An |