Về Lam Kinh
9:40', 2/11/ 2005 (GMT+7)

Hơn sáu trăm năm qua, sau khi quét sạch giặc Minh, cùng với củng cố lại Đông Kinh (Thăng Long xưa và Hà Nội bây giờ), người anh hùng áo vải Lê Lợi đã cho xây cất tại quê nhà Lam Sơn, thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa một kinh đô thứ hai, đặt tên là Tây Kinh - Kinh đô phía mặt trời lặn, cũng còn được gọi là Lam Kinh - Kinh đô của đất Lam Sơn.

Từ thành phố Thanh Hóa ngược lên, cảm giác diệu vợi như khi ta chạm vào màn sương lãng đãng của miền Hướng Hóa, Lao Bảo, Quảng Trị. Con đường bê tông nhựa thẳng tắp như một nhát cắt mãnh liệt giữa vùng trung du trù phú, xanh mướt ruộng vườn đồi nương và không biết cơ man nào là mía mật, triền ngô, bãi sắn, xen với bóng tre mát rượi. Đường lên Lam Kinh ngót cả năm mươi ngàn mét mà bỗng gần gụi như một chớp mắt.

 

Đoàn cán bộ, phóng viên các báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên trong lần về thăm Lam Kinh (ảnh: TG)

 

Đối diện với núi Mục Long (mắt Rồng) sừng sững bên dòng sông Chu, nhìn cái thế "Vạn niên đắc địa" mới thấm thía nhãn quan thâm hậu của người xưa khi chọn nới này làm kinh đô để an kế lâu bền. Tần ngần bước qua suối Ngọc uốn khúc quanh co, dòng nước lặng lờ, thẫm lại dưới trời thu miền Trung du xứ Thanh, qua cầu Tế Độ cong vút, trước mắt ta hiện ra một khoảnh rừng mênh mông, rộng ngót 141 ha, hùng vĩ bóng cổ thụ và miên man muôn loài lá cây xào xạc.

Bất chợt âm điệu trầm hùng của ngàn xanh hay lời thề của cha ông trong Hội thề Lũng Nhai tự ngàn xưa vọng về? Trên một mặt bằng dài 315 mét, rộng 256 mét, hiện ra 3 lớp nền của các điện Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh được xây dựng vào năm 1456. Cửa Nghi Môn dựng trên mặt bằng vuông 15x15 mét, sân dài 60 mét. Sau điện Lam Kinh là quần thể các lăng tẩm của 6 vị vua, từ Lê Thái Tổ đến Lê Túc Tông và lăng của các Thái hậu.

Sử cũ có chép Lê Lợi sinh ngày mồng 6 tháng 8 năm 1385. Tằng tổ của vua húy là Hối, người phủ Thanh Hóa, nhân một ngày đi chơi qua Lam Sơn, ông thấy nơi đây thế đất lành chim đậu, là nơi có thế tụ họp đông người, ông dời nhà đến Lam Sơn để ở. Sau 3 năm thì dựng nên sản nghiệp lớn, tôi tớ ngày càng đông, con cháu ngày càng nhiều, việc mở đất dựng nghiệp gây nền từ đấy. Tổ của vua húy là Đinh. Thân phụ của vua húy là Khoáng. Thân mẫu của vua họ Trịnh, húy là Thương. Ông bà sinh được 3 người con trai. Con trưởng là Học, thứ là Trừ, người con út sau này là vua Lê Lợi.

Người anh được cha truyền nghiệp không may mất sớm, Lê Lợi thừa nghiệp ông cha, giấu mình ở Lam Sơn, ngày lo nghề cày cấy, đêm chuyên tâm đọc sách. Vì căm giận giặc Minh tàn bạo, Lê Lợi đã đứng lên chiêu hiền đãi sĩ khắp 4 phương tụ hội về đất Lam Sơn và cùng 18 người chí cốt tổ chức Hội thề Lũng Nhai, đồng lòng dấy binh đánh giặc. Năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi cùng các tướng sĩ và nghĩa quân tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lúc đầu đóng ở Lạc Thủy, đánh trên 20 trận, thu nhiều thắng lợi, tiếng vang bốn cõi. Năm Bính Ngọ 1427 đánh ở Ninh Động đại thắng, liền tiến vây Đông Đô. Năm Đinh Mùi, Liễu Thăng đem 10 vạn quân sang cứu nguy. Một trận quyết chiến ở Chi Lăng, giặc không còn manh giáp, từ bỏ luôn mưu đồ thôn tính nước Nam. Lê Lợi lên ngôi năm 1428 và băng hà vào ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu, an táng tại Lam Sơn quê nhà.

Đứng trên miền đất cổ xưa, nghe trong âm vang lòng đất sự thức gọi của lịch sử, lòng lại thấy dâng lên niềm kiêu hãnh lớn lao và sự biết ơn vô hạn đối với cha ông. Ngàn xưa trước, ông cha ta đã không tiếc máu xương, mồ hôi, sức vóc, trí tuệ với dũng khí của con dân nước Nam, luôn đoàn kết nhân thiên hợp nhất, trên dưới hòa thuận, cao thấp tương đồng, cùng nếm mật nằm gai giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, hùng cứ một phương, không hề quy phục trước bất cứ kẻ thù hung bạo nào. Vẻ đẹp của tư tưởng yêu nước thuở khai nguyên vẫn đang rạng rỡ và soi rọi con đường cháu con chọn đi đến tận bây giờ.

Lam Kinh ngày xưa còn là miền đất của lễ hội. Hàng năm lễ hội tổ chức ở đẳng cấp Quốc lễ để vua quan nhà Lê và nhân dân cả nước hành hương về cội nguồn. Năm chẵn, đích thân Hoàng đế về bái yết vong linh tiên tổ, cẩn cáo thiên địa, cầu cho quốc thái dân an. Bên cạnh phần nghi lễ là phần hội với các trò hát đối đáp, đánh cờ, đánh đu, kéo co, thi vật… Lam Sơn từng là nơi rộn rã tiếng cười, tràn ngập niềm hạnh phúc cháu con đoàn tụ, sum vầy.

Bên tấm bia Vĩnh Lăng có niên đại trên 560 năm, được làm bằng khối đá cẩm thạch xanh bóng, nặng 18 tấn có chạm khắc bài Phú ca ngợi sự nghiệp Lê Thái Tổ của Ức Trai tiên sinh, ta vẫn như còn thấy sự nghiệp hiển linh của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn đang sống mãi với dân tộc và đồng hành cùng cháu con trên con đường dựng xây đất nước hôm nay.

Hôm chúng tôi hành hương về Lam Kinh, đất trời đang chớm thu. Từ thinh không, những cánh én bạc của Không quân nhân dân Việt Nam vạch những đường bay bạo liệt giữa nền xanh biếc, lồng lộng tầng mây bầu trời Tổ quốc. Đường bay như một lời thề nguyền sắt son vàng đá của cháu con thời đại Hồ Chí Minh với tổ tiên, quyết giữ gìn cho đất nước độc lập, tự do, bền vững muôn đời…

. Theo Báo Quảng Trị

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phan Thiết ẩm thực phố  (01/11/2005)
Sẽ có một khu văn hóa - du lịch Nguyễn Du xứng với đất "Giang sơn tụ khí"  (31/10/2005)
Quảng Nam - Một điểm đến, hai di sản thế giới  (30/10/2005)
Đồi Mộng Mơ Đà Lạt  (28/10/2005)
Phát hiện quần thể voọc vá chân xám tại Quảng Nam  (28/10/2005)
Đà Nẵng: Đầu tư gần 40 triệu USD xây nhà máy sản xuất linh kiện điện tử  (28/10/2005)
Trường Dục Thanh  (27/10/2005)
Hấp dẫn Pleiku  (26/10/2005)
Phú Yên: bán 300 lô đất giá rẻ cho CBCNV  (25/10/2005)
Tượng đài mẹ Suốt không chỉ được dựng bằng thơ  (25/10/2005)
Bình Thuận: Sôi động lễ hội du lịch "Hội tụ xanh"   (24/10/2005)
Thêm 15 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất   (24/10/2005)
Chùa Khải Đoan - một điểm đến lý tưởng của Buôn Ma Thuột   (24/10/2005)
Biển Đà Nẵng - một trong 6 bãi biển đẹp nhất thế giới   (23/10/2005)
Ghi ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn  (21/10/2005)