Chuyện kể rằng trước khi trở thành viên ngọc sáng ở sa mạc Sahara đón tiếp hàng chục ngàn khách du lịch mỗi năm, làng Pisen là nơi hoang vu lạc hậu và người ở đây chưa có ai đi ra khỏi sa mạc. Có tin cho rằng không phải họ không muốn rời khỏi mảnh đất cằn cỗi ấy mà bởi đã nhiều người đi nhưng không ra được.
Thế rồi, một hôm nhà thám hiểm Rêven đến làng và biết được điều ấy. Ông thử tháp tùng với người trong làng (không dùng la bàn ông mang theo) và mới phát hiện ra: Sở dĩ người Pisen đi hoài rồi cũng quay về nơi xuất phát là do họ đi theo cảm tính với những dấu chân, trong khi làng ở giữa tâm sa mạc mênh mông hình thành những vòng tròn xoáy ốc.
Sau đó, ông chỉ dẫn dân trong làng: Ban ngày nghỉ ngơi, ban đêm cứ theo hướng ngôi sao ở phương bắc (sao Bắc Đẩu) mà đi thì sẽ ra khỏi sa mạc. Và không ngờ cách đi như thế cùng với cuộc sống bí ẩn nơi vùng sa mạc, đã tạo ra một tuyến du lịch hấp dẫn cho dân các nơi khác khiến làng Pisen phát triển nhanh chóng nhờ du lịch.
Tương tự câu chuyện trên, vùng đất Hòn Rơm- Mũi Né - Phan Thiết được các nhà khoa học trên thế giới và khách nước ngoài biết đến từ sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995. Đến nay, đã 10 năm trôi qua, vùng Mũi Né - Hàm Tiến thành viên ngọc sáng của du lịch Bình Thuận. Quang cảnh biển xanh, cát trắng, dừa ngút ngàn, không gian yên tĩnh thanh bình ven biển đã hình thành những resort, loại hình du lịch nghỉ dưỡng ven biển đặc trưng của Việt Nam.
Nhưng Bình Thuận không chỉ có dải biển Mũi Né mà còn có biển Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết và Hàm Tân nên theo thời gian, những resort tương tự cũng xuất hiện.
Trong 368 dự án đầu tư du lịch đã được chấp thuận còn hiệu lực thì đã có hơn 100 dự án đi vào hoạt động kinh doanh với khoảng 60 resort và 40 hotel. Với số lượng resort này, Bình Thuận được xem là nơi có nhiều resort nhất nước. Mỗi năm lượng khách đến tỉnh tăng bình quân 27% nên doanh thu du lịch cũng tăng theo bình quân 30%. Từ 100 tỉ đồng doanh thu năm 2001 thì nay đã lên 450 tỉ đồng, giúp một bộ phận lớn kinh tế tư nhân kinh doanh tăng trưởng và khoảng 8.500 lao động tại địa phương có việc làm.
Trong khi đó, thời gian lưu trú của khách nhích từng chút một. Hiện khách quốc tế lưu trú bình quân chỉ 1,9 ngày/khách, khách nội địa 1,4 ngày/khách. Nguyên nhân do ngoài loại hình nghỉ dưỡng biển này ra, Bình Thuận chưa xây dựng các loại hình du lịch khác nữa nên khách đến chỉ vòng quanh tắm biển, nghỉ ngơi, thưởng thức hải sản rồi về.
Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút khách, Bình Thuận có các yếu tố thuận lợi để thực hiện. Bởi ven theo 192 km bờ biển, Bình Thuận có vô số "vật báu" do thiên nhiên, lịch sử, con người ban tặng. Nào là Cù Lao Câu, chùa Hang, Gành Son, Bàu Trắng; nào là tháp Chăm Poshanư, mũi điện Kê Gà, chùa núi Tà Cú, nước khoáng Vĩnh Hảo, Bưng Thị, Dinh Thầy Thím; nào là lễ hội Katê, cầu yên, Nghinh Ông, cầu ngư, hát Bá Trạo…
Bao nhiêu thắng cảnh, bao nhiêu lễ hội, nét độc đáo trong đời sống cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất Bình Thuận, kết nội lại sẽ tạo ra bao tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có thể hình thành du lịch văn hóa lễ hội, du lịch thể thao (lặn biển, leo núi), du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh làm đẹp…
Loại du lịch nghỉ dưỡng - Spa này đã quy hoạch xong, với phương án thực hiện có tính khả thi, chi phí hợp lý theo cách: đưa nước khoáng từ mỏ Phong Điền (Bưng Thị 2) về chân núi Tà Cú. Loại hình du lịch này mở ra sẽ bổ sung du lịch tắm khoáng - núi cho du lịch biển.
Còn các loại hình du lịch khác thì cũng đã sẵn từ các dự án. Hơn 200 dự án đang trong quá trình lập thủ tục đầu tư, thì có nhiều dự án quy mô từ 50-200 ha đầu tư vào vui chơi, giải trí, thể thao… nếu đi vào hoạt động sẽ làm đa dạng sản phẩm du lịch ở Bình Thuận ngay. Đây là điều quyết định, bởi hiện khâu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ của tỉnh vẫn thực hiện theo kế hoạch từng năm.
Cụ thể, tuyến đường ven biển đã cơ bản xong; các tuyến nối từ Lâm Đồng xuống, Bà Rịa - Vũng Tàu sang đã hình thành; tuyến TP Hồ Chí Minh ra Phan Thiết bằng đường sắt đang tiến hành…
Mặt khác, việc liên kết vùng nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch giữa 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng vừa mới ký kết. Rồi đây, những sản phẩm du lịch độc đáo của vùng sẽ xuất hiện để thu hút du khách…
Thực tế, du lịch Bình Thuận phát triển chưa đồng đều. Phát triển nhanh là Hàm Tiến - Mũi Né, phát triển chậm là Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong và phát triển rời rạc là Tiến Thành, Hàm Thuận Nam.
Bao nhiêu vật báu nằm ven biển như mỏ lộ thiên. 10 năm phát triển du lịch - 10 năm khai thác, mỏ lộ thiên này vẫn chưa phát huy thế mạnh vốn có. Đó là nhiệm vụ của chính quyền và quyền lợi của các nhà đầu tư, những người có sứ mệnh như nhà thám hiểm Rêven nhưng chắc chắn không khó khăn như thế, bởi Bình Thuận không là vùng sa mạc.
. Theo báo Bình Thuận |