Hiện nay, nhiều đoàn cứu trợ của các tổ chức và cá nhân đang dập dìu về các vùng bị ảnh hưởng của bão số 8 dọc dải đất miền Trung để giúp đỡ những người bị nạn. Những nghĩa cử cảm động này đã quá quen với người dân miền Trung sau các đợt thiên tai.
Tuy nhiên, để hạn chế một phần tình trạng "năm nào cũng cứu trợ", nhiều người dân vùng lũ đã nêu những kiến nghị chí lý. Có thể xem đây như một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho những gia đình nghèo.
Chưa bão cũng sập nhà
Phải thừa nhận một điều tích cực này: Dù bão số 8 có sức gió cấp 10, giật cấp 11, song số lượng nhà sập không nhiều bằng năm 1999 (trận lụt lớn nhất sau "lụt năm Thìn" - 1964). Thống kê của các tỉnh miền Trung cho biết, có khoảng 600 nhà bị sập hoàn toàn, bình quân mỗi tỉnh có trên dưới 100 nhà sập. Số nhà sập trong đợt bão vừa qua của cả miền Trung chỉ bằng số nhà sập của tỉnh Quảng Nam năm 1999. Vì sao? Vì nhiều ngôi nhà tranh vách đất đã được thay thế bằng nhà xây tường gạch, lợp ngói sau kết quả của nhiều năm vận động bằng đủ các nguồn vốn, bằng nhiều chương trình, từ "nhà tình nghĩa", rồi "nhà tình thương" đến "nhà đại đoàn kết".
|
Những ngôi nhà thế này, không bão cũng sập! (ảnh: T.Đ)
|
Hàng ngàn ngôi nhà ngói đã ra đời sau các cuộc vận động nói trên, đủ sức để chống chọi với bão cấp 10! Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng ngàn ngôi nhà khác rơi vào tình trạng "không bão cũng sập".
Trên 600 ngôi nhà của người dân miền Trung bị sập trong cơn bão số 8 vừa qua đều nằm trong hoàn cảnh nói trên. Bà Lê Thị Thu ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là một trong những hoàn cảnh như thế. Cách đây hai năm, lũ lớn cũng đã "thăm hỏi" nhà bà; các tổ chức xã hội và các nhà báo cũng đã thăm hỏi và tặng quà sau đó. Những gói quà và số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ để những gia đình có nhà sập như bà Thu sống lay lắt hết một mùa đông! Bà nói: "Mua dăm bảy tấm tôn và một ít rui mè cũng đã mấy triệu rồi nên tôi chỉ che tạm để ở qua quýt thôi chứ lấy đâu ra 10-15 triệu để xây nhà kiên cố?".
Bà Nguyễn Thị Gẫm ở xã Phước Sơn huyện Tuy Phước (Bình Định), trận lũ hồi đầu tháng 11 năm ngoái đã lấy đi ngôi nhà tranh xiêu vẹo của bà. Nhà nước cấp cho mấy tấm vải bạt để ở "qua loa", năm nay lại… sập tiếp! Vì là làm nhà "qua loa" để ở "qua quýt" nên hễ có lũ, có bão, bất luận nhỏ hay lớn, là sập nhà. Lại vẫn những khuôn mặt quen thuộc ấy chứ không ai khác. Lại thăm hỏi, lại cứu trợ vài triệu bạc rồi làm nhà tạm, để đến mùa mưa lũ năm sau, lại sập!
Điệp khúc này đã lặp lại nhiều năm, ai cũng biết nhưng để khắc phục, không phải dễ. Mỗi tỉnh có hàng ngàn ngôi nhà "qua quýt" như bà Thu, bà Gẫm nên không thể cùng một lúc, ngân sách bỏ ra để xây tất cả được.
Nghe dân kiến nghị
Tất cả những gia đình có nhà sập trong đợt lũ vừa rồi ở miền Trung đều nói điều này: "Thấy nhà nước và nhà báo giúp vài triệu bạc thì quá mừng nhưng lại lo thêm. Năm nào cũng giúp thế này thì thật quá ngại. Giá như thay vì rải đều cho 5-7 nhà, ta dồn cho một nhà thì may ra sẽ có được một nhà kiên cố, sang năm khỏi cứu trợ nữa". Đó là ý kiến đúng, song ai sẽ là người được nhận 15 triệu trong số 5-7 nhà sập kia? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tài "vận động quần chúng" của chính quyền và các đoàn thể, mặt trận ở cơ sở.
|
Một ngôi nhà ở Quảng Ngãi tan hoang sau bão số 8 (ảnh: T.Đ)
|
Lại có người bị nạn trong đợt bão vừa rồi thì "hạ" giá tiền của mỗi căn nhà bằng một kiến nghị: "Chỉ cần 10 triệu là có thể xây được ngôi nhà tương đối đàng hoàng ở quê hiện nay. Hàng xóm láng giềng không có tiền để giúp nhau nhưng có thể giúp công để xây nhà được. Xóm nào cũng có đội thợ xây, họ giúp công cũng đã lợi được 3-5 triệu rồi".
Thực tế cho thấy, phần lớn những ngôi nhà "tình thương" hay "đại đoàn kết" cũng chỉ được hỗ trợ 10 triệu trở xuống nhưng vẫn xây được nhà nhờ vào sự giúp đỡ công xây dựng.
Hiện tại, các đoàn cứu trợ đã đổ về vùng lũ để giúp đỡ người dân, song cách giúp vẫn không có gì thay đổi ngoài việc phát cho mỗi gia đình vài chục ký gạo, vài trăm ngàn và một ít quần áo. Nhiều gia đình có nhà sập, nhận tổng cộng của các đợt cứu trợ cũng chỉ được vài triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này, họ không biết làm gì ngoài việc mua gạo và làm nhà tạm.
Nên chăng, các tổ chức và cá nhân cần thay đổi hình thức cứu trợ bằng cách xây hẳn 20-30 ngôi nhà cho mỗi tỉnh thì ít ra qua một đợt cứu trợ, cũng thêm dăm bảy trăm ngôi nhà cho các tỉnh rồi. Chỉ cần vài ba đợt xây nhà cho vùng lũ như thế (cùng với các chương trình xây nhà cho người nghèo của nhà nước), chúng ta sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng "không bão cũng sập nhà" như đã xảy ra trong những năm qua.
|