Ga Đà Lạt làm du lịch
9:31', 8/11/ 2005 (GMT+7)

Tại Việt Nam, thú du lịch trên đầu máy xe lửa cổ chạy bằng hơi nước như ở Đà Lạt (Lâm Đồng) là độc nhất vô nhị. Hơn thế, ga xe lửa Đà Lạt còn được xem là đẹp nhất Đông Dương và đây còn là một trong hai di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia thuộc loại hình kiến trúc ở Lâm Đồng đã được công nhận.

 

Mặt trước của nhà ga đẹp nhất Đông Dương này khá tươm tất...

 

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng ga Đà Lạt cho biết: "Ngoài công tác bảo tồn (di tích lịch sử - văn hóa), Ga Đà Lạt với đặc điểm riêng là nằm trong lòng một thành phố du lịch nên việc thu hút khách đến nơi này còn là một trong những nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ ngành đường sắt VN".

Trên cơ sở thực tế này, gần một năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đồng ý cho Ga Đà Lạt được phép bán vé cho du khách vào tham quan như tất cả những điểm du lịch khác trong thành phố Đà Lạt. Như vậy, vấn đề đặt ra là, Ga Đà Lạt làm thế nào để vừa bảo tồn nhưng vừa thu hút du khách như tất thảy những điểm tham quan - du lịch khác của Đà Lạt?

"Trong 10 tháng đầu năm, du khách đến tham quan ga Đà Lạt và du ngoạn bằng đường tàu lửa trên thành phố có độ cao 1.500m này đã tăng đáng kể so với trước" - ông Châu cho biết. Số liệu thống kê gần đây cho thấy: Trong 10 tháng đầu năm 2005, lượng du khách đến với Ga Đà Lạt đã đạt con số 40.000 người (cả năm 2004 chỉ đạt chưa đến 35.000 du khách), trong đó khách quốc tế chiếm 9.261 người, tăng gần gấp đôi so với cả năm 2004 (5.541 người).

"Nhờ vào đâu mà Ga Đà Lạt thu hút được sự chú ý của du khách?". Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Minh Châu đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố "văn hóa - lịch sử" của nhà ga. Theo các tài liệu lịch sử thì Ga hỏa xa Đà Lạt được gắn liền với tên tuổi của một kiến trúc sư (KTS) người Pháp tên là Moncet. Năm 1932, KTS Moncet cùng với một đồng nghiệp của mình là Revenron bắt tay vào việc thiết kế và thi công Ga hỏa xa Đà Lạt, và đến năm 1936 thì hoàn thành.

Trong quá trình lập đồ án xây dựng Ga hỏa xa Đà Lạt, hai KTS người Pháp này đã định sẵn trong đầu hình ảnh các ngọn núi Langbian - biểu tượng bất biến qua thời gian của các dân tộc thiểu số Lâm Đồng, để từ đó làm bay bổng những ý tưởng sáng tạo của mình. Mãi đến ngày nay, du khách dễ dàng nhận ra ý tưởng sáng tạo trên cơ sở định sẵn biểu tượng ấy bằng hình ảnh 3 vòm mái nhô cao của nhà ga giống như 3 đỉnh núi Langbian theo sự sắp xếp khá cân đối với mái ngói kéo dài và xếp đều lên nhau.

Ga Đà Lạt theo thiết kế của Moncet, có chiều dài 66,5m, chiều ngang 11,4m và chiều cao là 11m. Đặc biệt, với nhà ga này, nhìn ở cả hai mặt trước và sau, chúng ta dễ dàng nhận ra biểu tượng của dãy núi Langbian với 3 đỉnh chóp hình tam giác nhô cao. Rồi nữa, giá trị "cổ" và "lạ" của chiếc đầu máy hỏa xa chạy bằng hơi nước ở Ga Đà Lạt cũng là một trong những "tầm ngắm" của du khách khi đến với thành phố hoa xinh đẹp Đà Lạt. Và cũng cần nói thêm: Tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm (Phan Rang - Ninh Thuận) là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay (nhưng rất tiếc là hệ thống răng cưa này đã bị tháo dỡ gần hết sau năm 1975).

Ga Đà Lạt được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (dạng kiến trúc) quả là xứng đáng. Nhưng, nói như ông Ngô Minh Châu - Trưởng ga Đà Lạt, việc được công nhận di tích quốc gia là một nhẽ; vấn đề lúc này là làm thế nào để "nâng tầm" giá trị của Ga Đà Lạt trong bối cảnh của một thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Lạt.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi ngành đường sắt về việc tu sửa, tôn tạo, nâng cấp Ga Đà Lạt để biến nơi đây thành một trong những điểm du lịch thu hút du khách nhân dịp Festival hoa Đà Lạt sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 12 tới. Động thái tích cực nhất có thể được ghi nhận là mới đây, đơn vị chức năng đã tiến hành sơn sửa lại hai đầu máy và bốn toa xe phục vụ du khách; điểm đến của hành trình du lịch bằng tàu hỏa là Ga Trại Mát (cách Đà Lạt 7km) cũng đã được chỉnh trang…

 

... nhưng phía sau lại khá nhếch nhác.

 

Việc làm này có thể xem là động thái tích cực của chính quyền địa phương trong lộ trình đưa Ga Đà Lạt thành một điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến với thành phố hoa này như thiện ý của địa phương và của ngành đường sắt VN.

Rồi nữa, không chỉ động thái này, khoảng hơn 3 tháng trước đây, với mục đích xây dựng Ga Đà Lạt thành một điểm văn hóa hấp dẫn du khách, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề ra chủ trương thu hút các "mạnh thường quân" đầu tư vào đây.

"Đã có một nhà đầu tư ở TP HCM đăng ký lập dự án, nhưng cho đến lúc này, vẫn chưa thể nói được điều gì cả" - ông Châu tỏ ra không mấy lạc quan. Nói cách khác, ý đồ thì đã có nhưng trong thực tế vẫn còn không ít vướng mắc (chính sách ưu đãi, vấn đề thủ tục đầu tư…) cần tháo gỡ. Trong khi đó, nhà ga đang xuống cấp là một thực tế cần được nhìn nhận khách quan: mặt bằng sân ga lõm lồi, phía sân sau hoang hóa, những dãy nhà phụ nhếch nhác…

Như vậy, một chiến lược mang tính bền vững trong việc đưa di tích lịch sử - văn hóa Ga Đà Lạt trở thành một điểm văn hóa - du lịch của một thành phố đang trong quá trình xây dựng thành thành phố văn hóa - du lịch - sinh thái như Đà Lạt tuy đã được nhắc đến ở các bàn hội nghị ít nhất là ở cấp tỉnh và cấp thành phố, nhưng trong thực tế thì "chiến lược" này vẫn đang là một… ẩn số !

  • Khắc Dũng (Báo Lâm Đồng)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thác Dray Kpơr (Đăk Lăk) được công nhận danh thắng văn hóa quốc gia  (08/11/2005)
Kiến nghị từ vùng lũ miền Trung  (07/11/2005)
Huế: phục chế toàn bộ tranh tường cung An Định  (07/11/2005)
Quế Sơn một vùng du lịch  (07/11/2005)
Suối Tre (Bình Thuận) - chốn bồng lai tiên cảnh  (07/11/2005)
Đào tạo 66.700 cán bộ cơ sở cho Tây Nguyên  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (06/11/2005)
Bãi biển Sa Huỳnh - thơ mộng và quyến rũ  (04/11/2005)
Khu nhà mồ tù trưởng Khunjunob & R'leo K'Nul ở DakLak  (04/11/2005)
Tây Nguyên: Người đầu tiên được kết nạp vào CLB doanh nhân hàng đầu thế giới   (03/11/2005)
Khánh Hòa: Xây dựng tuyến cáp treo lớn nhất miền Trung  (03/11/2005)
Có những "báu vật" nằm ven biển  (03/11/2005)
Chín Hầm - địa danh du lịch đặc biệt của Huế   (02/11/2005)
Về Lam Kinh   (02/11/2005)
Phan Thiết ẩm thực phố  (01/11/2005)