Về thăm nơi Cụ Phan yên nghỉ
10:12', 9/11/ 2005 (GMT+7)

Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà chí sĩ tiền bối, nhà văn, nhà yêu nước lớn, linh hồn của phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong những năm đầu thế kỷ XX, từng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ca ngợi là "Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng".

Sau khi Cụ Phan bị thực dân Pháp đưa về giam lỏng tại TP Huế ngày 24-12-1925, Cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế và luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn đã đứng ra tích cực vận động đồng bào Trung-Nam-Bắc quyên góp giúp đỡ cho Cụ Sào Nam trong những ngày đầu đến kinh đô sống trong cảnh "cá chậu chim lồng".

Số tiền đồng bào ba miền tự nguyện quyên được khoảng hơn 2.000 đồng Đông Dương, Cụ Phan dùng mua hai sở đất: một ở trên dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm và sở thứ hai rộng hơn 4.000 m2 nằm gần Đàn Nam Giao. Khu đất này về sau thường gọi là nghĩa địa mang tên Cụ Phan Bội Châu ("Nghĩa trang Phan Bội Châu"), mang biển số 5, đường Thanh Hải (số cũ 146B/4, đường Điện Biên Phủ), phường Trường An, phía Nam TP Huế.

Ban đầu Cụ Phan định dùng mảnh đất ấy mở Cô nhi viện nuôi dưỡng con cháu những nhà hoạt động yêu nước đã mất, nhưng thực dân Pháp không chấp thuận nên Cụ dùng làm nơi yên nghỉ nghìn thu cho các đồng chí của mình.

Sau 20 năm vào Nam ra Bắc, bôn ba tìm đường cứu nước, khi về Huế lại sống trong cảnh cơ hàn thiếu thốn, sức khỏe Cụ Phan ngày càng giảm sút. Tiên liệu thấy mình sẽ chẳng còn sống bao lâu nữa, năm 1934, Cụ cho dựng tấm bia ở giữa khu vườn nhà Bến Ngự, xác định vị trí sanh huyệt "nhà ở muôn đời" và một tấm bia khác dựng ở nghĩa trang. Tấm bia này làm bằng chất liệu đá thanh, cao 0,95 x 1,4m, đặt nằm trên đế cao 0,30m, chạm khắc rồng mây, hoa văn cách điệu, lòng bia khắc 167 chữ Hán theo lối chân phương, có nhan đề "Phan Bội Châu nghĩa địa ước qui" chia thành 10 dòng tạm dịch như sau:

"Ước qui của nghĩa địa Phan Bội Châu.

Châu trước khi chết, xin đem vườn này làm nghĩa địa tức theo ý cổ nhân nói rằng "Bạn bè chết không chỗ chôn thì chôn tại nhà ta". Nhưng vì đất hẹp vườn chật khó dung hết được, nên định ra qui ước về việc chôn cất như sau:

Một là, người đồng chí đồng sự với Châu, đeo đuổi chí mình đến chết không đổi.

Hai là, tuy không cùng Châu đồng sự, nhưng biết chắc đã cùng Châu đồng chí đến chết không biến đổi.

Ba là, ảnh hưởng vì chủ nghĩa của Châu mà hy sinh thống khổ đến chết không biến đổi.

Tư cách ba hạng trên rủi ro bị chết ở Thành Thuận Hóa, xin rước di hài đến chôn tại nghĩa địa này.

Bằng không có ba hạng người tư cách như trên, xin nhất thiết không nhận.

Phan Bội Châu tự thảo ra!"

Với tấm bia "Phan Bội Châu nghĩa địa ước qui", Cụ Phan Bội Châu đã biến khu đất hoang vắng của mình thành một dạng nghĩa trang cách mạng, công khai ở giữa kinh đô. Vì vậy, năm 1941 tri huyện Hương Thủy đã đem lính về lật úp tấm bia. Năm 1945, ông Phan Nghi Đệ, thứ nam của Cụ mới cho dựng lại như cũ.

Nghĩa trang có một cổng chính rộng 3,6m được đóng mở bằng hai cánh song sắt. Hai bên cổng là hai trụ vuông, mỗi trụ cao 5m đỉnh đắp nổi hình hoa sen. Tiếp nối cổng chính là hai đoạn tường thành, mỗi đoạn dài 3,6m, cao 2,2m. Từ cổng đi theo con đường đất đỏ dài 20m hai bên hai hàng chè tàu cắt xén tỉ mỉ, nhìn bên trái sẽ thấy tấm bia "Phan Bội Châu nghĩa địa ước qui" đặt nằm trong nhà bia diện tích 6m2. Cạnh nhà bia bên tả có lăng mộ đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Đây là ngôi mộ đầu tiên được chôn cất trong khu nghĩa trang khi Cụ Phan còn sống.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908 tại làng Thanh Tiên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Huế và Trung Kỳ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Năm 1939, Nguyễn Chí Diểu mất sau những năm tháng bị bệnh nặng, ảnh hưởng bởi những ngày bị tù tội tra tấn. Để tổ chức lễ tang một chiến sĩ cách mạng như một cuộc biểu dương quần chúng, Xứ ủy Trung kỳ đã cử đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ đến trao đổi với cụ Phan về việc mai táng Nguyễn Chí Diểu thì Cụ sốt sắng nói: "Đem mai táng ông Diểu ngay chính giữa nghĩa địa của tôi ở Nam Giao đi. Có gì rắc rối, tôi chịu!".

Đám tang Nguyễn Chí Diểu vừa xong, chánh mật thám Trung Kỳ Sogny liền gặp cụ Phan kiếm chuyện và xấc láo hỏi: "Ông lập nghĩa trang ở Nam Giao để sau này chôn cất những người đồng chí, đồng sự của ông. Vậy Nguyễn Chí Diểu có phải là đồng chí, đồng sự của ông không?". Cụ Phan cười rồi hỏi vặn lại Sogny: "Chính phủ bảo hộ hiểu chủ nghĩa Phan Bội Châu như thế nào mà ông lại đi hỏi nguyễn Chí Diểu phải hay không đồng chí đồng sự của tôi" (Ông già Bến Ngự, NXB Thuận Hóa, 1982).

Sau ngày Cụ Sào Nam mất (29-10-1940), khuôn viên nghĩa trang là nơi an táng hoặc cải táng những đồng chí của Phan Bội Châu và các danh nhân, như nữ sĩ Đạm Phương (1881-1948), nhà văn Hải Triều (1908-1954), liệt sĩ Lê Tự Nhiên (1914-1970), nhà thơ Thanh Hải (1930-1980), vợ chồng Cửu Cai Trần Hoành, Lê Văn Phát…

Tuy nhiên, do quá khứ để lại, nghĩa trang còn có 20 lăng mộ không thuộc diện qui ước do Cụ Phan đề ra đã được chôn cất trong nhiều thời kỳ khi chưa được quản lý như một di tích.

Nghĩa trang Phan Bội Châu là công trình văn hóa độc đáo của cố đô Huế, một di sản quý báu của dân tộc, một tư liệu gốc liên quan cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và của nhiều nhân vật lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Do có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, nghĩa trang đã được Nhà nước ta công nhận là Di tích lịch sử ngày 14-7-1990, cùng với Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở Bến Ngự - TP Huế.

. Theo báo Nghệ An

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ga Đà Lạt làm du lịch  (08/11/2005)
Thác Dray Kpơr (Đăk Lăk) được công nhận danh thắng văn hóa quốc gia  (08/11/2005)
Kiến nghị từ vùng lũ miền Trung  (07/11/2005)
Huế: phục chế toàn bộ tranh tường cung An Định  (07/11/2005)
Quế Sơn một vùng du lịch  (07/11/2005)
Suối Tre (Bình Thuận) - chốn bồng lai tiên cảnh  (07/11/2005)
Đào tạo 66.700 cán bộ cơ sở cho Tây Nguyên  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (06/11/2005)
Bãi biển Sa Huỳnh - thơ mộng và quyến rũ  (04/11/2005)
Khu nhà mồ tù trưởng Khunjunob & R'leo K'Nul ở DakLak  (04/11/2005)
Tây Nguyên: Người đầu tiên được kết nạp vào CLB doanh nhân hàng đầu thế giới   (03/11/2005)
Khánh Hòa: Xây dựng tuyến cáp treo lớn nhất miền Trung  (03/11/2005)
Có những "báu vật" nằm ven biển  (03/11/2005)
Chín Hầm - địa danh du lịch đặc biệt của Huế   (02/11/2005)
Về Lam Kinh   (02/11/2005)