Có dịp về với buôn làng miền núi tỉnh Phú Yên nơi người Êđê sinh sống vào dịp lễ hội, ngoài nhà rông, nhà sàn, nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ, trang phục, lễ nghi… thì nghệ thuật múa của người Êđê phần nào làm cho du khách cảm nhận về bản sắc văn hóa của dân tộc Êđê.
Múa Khiêl là loại múa kiếm, một hình thức múa võ có lịch sử lâu đời và tồn tại đến ngày nay. Trong nghệ thuật diễn xướng nghi lễ của người Êđê, điệu múa này được miêu tả khá kỹ trong Trường ca (Sử thi). Người múa mặc trang phục khá đặc trưng, đầu quấn khăn đỏ, thả hai đuôi khăn về phía trước trán, mặc áo hở ngực, đóng khố kơtel, tay trái cầm Khiêl, tay phải cầm gươm, nhảy múa với động tác mạnh mẽ đầy uy lực, nhưng phải phối hợp với âm nhạc lúc trầm, bổng, lên cao.
Múa Khiêl thường múa thành từng cặp, từng nhóm. Vì vậy, người múa phải có sự phối hợp hài hòa và chính xác để tránh những va chạm tai nạn, người múa có thể lấy đà vài bước ở nốt nhạc thuộc phách nhẹ và nhảy tới đồng thời hô to đúng vào các nốt âm chủ của chiêng aráp. Múa Khiêl thường được sử dụng trong các nghi lễ như: đâm trâu, bỏ mả…
Múa Kiều gọi là múa chim grứ do mô phỏng theo chim grứ bay. Động tác múa là sự kết hợp giữa đôi tay và chân để luôn tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển. Người múa thường là người đàn bà lớn tuổi, đội hình múa có khoảng 4-6 người hòa cùng chiêng 5, cồng 3, trống đôi. Múa chim grứ thường mở đầu cho các nghi lễ bỏ mả, đâm trâu, tang ma, cúng yàng. Điệu múa xoan, Khiêl, grứ của người Êđê hòa cùng với nhạc cụ nẩy lên những âm thanh rộn rã như tiếng gọi của mùa xuân, tình yêu, và ước mong hạnh phúc vẹn tròn, chính vì vậy những chàng trai, cô gái tay trong tay bên nhà rông, ánh lửa, cột đâm trâu thâm đêm đến sáng.
. Theo Tổng cục du lịch |