Với những nỗ lực nghiên cứu, ban hành, thực thi và từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, bức tranh kinh tế-xã hội khá "ảm đạm" của Quảng Nam những ngày đầu tái lập tỉnh đã nhanh chóng thay bằng không khí hừng hực của sự phát triển.
Ở thời điểm tái lập tỉnh (tháng 1-1997), Quảng Nam chỉ có 100 doanh nghiệp với vốn đăng ký khoảng 50 tỉ đồng, hầu hết là doanh nghiệp công ích, tư nhân… mới thành lập. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng, nông, lâm, thủy sản, thương mại, dịch vụ khá "khiêm tốn" với các con số lần lượt là: 1.092 tỉ đồng, 1.761 tỉ đồng và 1.453 tỉ đồng (năm 1996). Tổng thu ngân sách phát sinh kinh tế trên địa bàn 157 tỉ đồng và kim ngạch xuất khẩu địa phương chỉ đạt 5 triệu USD! Nhiều xã không có đường ô tô, cách biệt với thế giới bên ngoài, hơn 300 ngàn người thất nghiệp, lao động dôi thừa, gia đình chính sách nhiều và tỉ lệ đói nghèo thuộc diện cao nhất nước…
Bức tranh "ảm đạm" đó đã làm đau đầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam.
Sự trì trệ, yếu kém bắt nguồn từ việc thiếu hụt các nguồn lực cho sự phát triển, nhất là giao thông, liên lạc. Các doanh nghiệp Quảng Nam còn xa lạ với thông tin thị trường, không có cơ hội tiếp cận với công nghệ cao; chi phí vận chuyển nguyên liệu, phí cảng lớn; giá thành sản phẩm cao, suất đầu tư cao và độ rủi ro cũng cao hơn nên không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ở hai đầu đất nước - những nơi đã có sự ổn định và phát triển.
Trong khi đó, các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước còn ở bình diện chung, chưa có tính đặc thù cho từng vùng miền, nhất là về mức thuế suất ưu đãi, cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư… Rốt cuộc, dù giàu tiềm năng, cần cù, sáng tạo, doanh nghiệp Quảng Nam hay rộng hơn là doanh nghiệp miền Trung cũng vẫn là đứa con nhà nghèo, thị trường cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chất lượng trung bình và thấp. Nhiều doanh nghiệp ra đời đã phải tự phá sản vì không chịu nổi áp lực của cuộc cạnh tranh trên thương trường khốc liệt.
Không thể khoanh tay đứng nhìn tiềm lực của địa phương ngủ yên trong lòng đất, thời gian; không chịu nổi cảnh Quảng Nam nghèo khó, với hình ảnh những đứa con của quê hương vội vàng khăn gói về quê, thắp nén hương cho ông bà, cha mẹ xong ngày Tết lại vội vã hành phương Nam tha phương cầu thực; lãnh đạo tỉnh đã đi đến một quyết định táo bạo, mở khai công cuộc chấn hưng xứ Quảng.
Hơn ai hết, người Quảng Nam hiểu hết giá trị của sự thay đổi từ chất liệu đời sống của riêng mình. Chỉ có phát triển công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn mới có thể xua đi nỗi ám ảnh mơ hồ về sự đói nghèo của người dân xứ Quảng.
Chỉ vài tháng sau ngày tái lập tỉnh, Quảng Nam đã ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư, trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai - nguồn lực mà Quảng Nam có ưu thế để ưu đãi cho các nhà đầu tư - và động thái đó đã trở thành bước đột phá, khơi thông dòng đầu tư chảy mạnh vào Quảng Nam.
Quảng Nam đã tự chọn cho chính mình một lối đi, để tồn tại và phát triển trước nhu cầu bức thiết của đời sống đại đa số nhân dân. Một cách tự cứu mình, nhằm tháo gỡ bớt khó khăn đặt trên vai của tỉnh mới tái lập, Chính phủ bớt lo hơn…
Chính từ quyết định "táo bạo", dám làm, dám chịu này mà từ năm 2003, trong nhiều văn bản gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đều hiếm thấy dòng chữ "Quảng Nam là một tỉnh nghèo". Từ không có gì, Quảng Nam đã vững vàng đứng vào hàng top ten tỉnh, thành phố có nhiều cơ hội phất triển mạnh trên dải đất dọc suốt duyên hải miền Trung. Môi trường đầu tư, diện mạo công nghiệp Quảng Nam đã thay đổi rõ nét. GDP tăng bình quân mỗi năm 9,3%, con số 7,8% năm 1997 đã lên hơn 11,55% vào năm 2004. Từ 19% năm 1997, GDP ngành công nghiệp-xây dựng đã lên đến con số 32%, dịch vụ từ 31% lên 35% và nông lâm ngư nghiệp từ 50% xuống còn 33%. Giá trị sản xuất công nghiệp từ 500 tỉ đồng đã tăng hơn 5 lần, xuất khẩu từ 5 triệu USD đã lên 74 triệu USD (gấp 12 lần) và còn gia tăng nữa. Và Quảng Nam sắp sửa gia nhập vào câu lạc bộ các tỉnh, thành phố có thu ngân sách trên địa bàn 1.000 tỉ đồng.
Điều hiện diện rõ nét nhất là lao động đã bớt tha hương và Quảng Nam đã bắt đầu có thể thu hút lao động tỉnh ngoài, từ sự phát triển nhanh của 3 khu công nghiệp, hàng chục cụm công nghiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai, với hàng trăm nhà máy hoạt động. Điển hình là Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc, được đánh giá là một khu công nghiệp có môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng nhất cả về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, thu hút đầu tư thành công ở khu vực miền Trung. Hiện có hơn 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, gần 165 dự án du lịch, 1.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 3.000 tỉ đồng đang hoạt động tại Quảng Nam.
Trên dọc các vùng ven biển miền Trung, hiếm có nơi nào có số phòng khách sạn nhiều như Quảng Nam. Tiềm năng, thực tế du lịch, dịch vụ nằm trong hàng top ten Việt Nam, 5 năm đến, Quảng Nam có thể dẫn đầu về du lịch ở khu vực miền Trung hay rộng ra cả Việt Nam. Ngoài ra, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang-Đắc Tà Oóc (Lào) đang trong giai đoạn hình thành và hàng loạt các dự án thủy điện đã và đang được khởi công góp phần đổi thay hơn nữa cho miền núi.
Có thể nói rằng, với khối lượng lớn vốn đầu tư vào Quảng Nam và khối lượng vốn đăng ký, bổ sung đáng kể của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động, đã chứng tỏ môi trường đầu tư Quảng Nam đang trên chiều hướng thuận lợi. Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả, doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng sản xuất, kinh doanh ngày càng mạnh hơn.
Song, điều hiện tại mà chính quyền Quảng Nam cần nhất là phải đưa ra lý lẽ thuyết phục để Chính phủ có cơ chế riêng cho sự phát triển của miền Trung, cho phép Quảng Nam vận hành cơ chế ưu đãi "vượt trội", có sự giám sát của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong khoảng thời gian nhất định để giúp Quảng Nam thực hiện tốt con đường đã chọn lựa.
. Theo báo Quảng Nam |