Làng cổ Phước Tích
8:47', 15/11/ 2005 (GMT+7)

Cách cố đô Huế khoảng 35 km về phía Bắc, làng Phước Tích được bao quanh bởi sông Ô Lâu, trông như một bán đảo riêng biệt, vì thế ngày xưa vùng đất này gọi là Cồn Dương. Gia phả các tộc đều ghi vào năm 1470, vị quan Hưng Minh Hầu Hoàng Minh Hùng đã cùng một ông đào nghệ (tổ nghề) đến đây khảo sát rồi cùng phát triển nghề gốm nổi tiếng đến ngày nay.

Dân làng ít ai biết làm ruộng, chủ yếu sống nhờ vườn tược và nghề gốm. Gốm Phước Tích lâu đời đã nổi tiếng khắp miền Trung, từng cung cấp cho vua chúa nhà Nguyễn. Những sản phẩm của làng được các vua ưa thích, được gọi là ngọc oa ngự dụng (nồi quý vua dùng), đủ thấy là nghề gốm đã đạt tới trình độ điêu luyện thế nào.

Ngày nay, tất cả các lò gốm không còn hoạt động, chỉ còn lại dấu tích của những chiếc lò lụi tàn và những đồ vỡ vụn chất cao trên cái cồn Trèng phía gần hồ.

Đến đây, ai cũng ngẩn ngơ trước màu xanh miên man của nhà vườn kiểu Huế. Những lối ngõ với những hàng chè tàu tăm tắp được cắt tỉa cẩn thận. Vườn thường trồng cây ăn trái và hoa. Một trong những sản phẩm chính là cây vả được trồng khá lâu năm, luôn trĩu quả. Cả một không gian biêng biếc bởi những khu vườn yên ắng nằm san sát, nối tiếp nhau nên có người gọi là làng vườn.

Ngoài những cây thường gặp ở Huế, người dân trồng những cây hoa lạ: hoàng lan, hàm tiếu, hải đường, trang đỏ… Nhiều nhất là cây hoa mộc, có màu vàng sữa, nhỏ xíu nhưng mùi hương nhẹ, thoang thoảng thầm kín, các cụ vẫn thường thả vào ấm trà để uống mỗi buổi sớm khi sương đêm còn lẩn khuất trên cây lá trước sân. Cái thú trà đạo ấy của người Phước Tích ẩn chứa sự thanh cao tựa như những nhà quyền quý.

Đến Phước Tích, bao giờ cũng gặp một cảm giác chung là đi đâu cũng chạm vào quá khứ lâu đời, đụng vào những phế tích và bất ngờ bởi những niên đại của chúng. Những miếu cổ um tùm cây cỏ, những ngôi mộ cổ, mấy tảng sa thạch rơi vãi, tượng thờ Yonim, cây thị cả ngàn năm tuổi, cây bàng, cây dừa gần 300 năm bên mấy bến đò, cả những cây hoàng lan, có niên đại tới 130 năm.

Tại Phước Tích, một trong những ấn tượng là 30 ngôi nhà rường có tuổi hơn cả 100 năm mà đa phần còn giữ được nguyên vẹn. Xưa nhất là ngôi nhà rường hơn 180 tuổi của bà Hồ Thị Thanh Nga. Phần kết cấu bên trong các ngôi nhà đều được chạm khắc khá công phu và tinh tế. Nhiều bức hoành phi, câu đối, đại trường kỷ, tráp thờ… vẫn còn nguyên, có nơi được chạm khảm xà cừ bóng bẩy. Nền kiến trúc dân gian ở đây đã đạt đến độ tinh xảo đến ngạc nhiên.

Cách bố trí không gian của các nhà thường đều có một sân rộng trước nhà để trồng cây kiểng. Lối vào đều có ngõ dài và bức bình phong. Tất cả được sắp xếp, tổ chức cho một kiểu sống, lối sống riêng. Chính đó là sự tích lũy lâu đời để hình thành một nét văn hóa làng độc đáo.

Tự bao đời Phước Tích đã có văn miếu thờ Hồng Đức phu tử, điều này rất hiếm, không phải nơi nào cũng có. Cả làng có tất cả 12 tộc họ đều có miếu thờ cũng uy nghi, trên mỗi bàn thờ còn giữ lại sắc phong của vua. Gần cổng làng, trước đây là khu vực hành cung, nơi để cho vua nghỉ lại sau khi ngự hành về. Mọi cái từ Miếu đôi (miếu thờ vị khai khẩn và tổ nghề), lễ tế, hội họp đình làng, tộc họ cho đến nền nếp gia phong đều được mọi người gìn giữ như một giá trị tinh thần quý giá.

Tại Phước Tích, nhà cổ, vườn tược, đình chùa miếu mạo vẫn còn đây bởi sức sống diệu kỳ được tiếp nối bằng nội lực của rất nhiều thế hệ. Vấn đề hiện tại là cần có kế hoạch trùng tu, bảo tồn, bởi theo lời của giáo sư Hoàng Đạo Kính, khó có thể tìm ra một ngôi làng cổ thứ hai đặc biệt quý hiếm trên đất nước này như làng Việt cổ Phước Tích.

. Theo báo Dak Lak

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đến với xứ sở thần tiên  (14/11/2005)
Chìa khóa của sự phát triển  (13/11/2005)
Các điệu múa của người Êđê  (11/11/2005)
Hòn Kẽm đá dừng  (10/11/2005)
Về thăm nơi Cụ Phan yên nghỉ   (09/11/2005)
Ga Đà Lạt làm du lịch  (08/11/2005)
Thác Dray Kpơr (Đăk Lăk) được công nhận danh thắng văn hóa quốc gia  (08/11/2005)
Kiến nghị từ vùng lũ miền Trung  (07/11/2005)
Huế: phục chế toàn bộ tranh tường cung An Định  (07/11/2005)
Quế Sơn một vùng du lịch  (07/11/2005)
Suối Tre (Bình Thuận) - chốn bồng lai tiên cảnh  (07/11/2005)
Đào tạo 66.700 cán bộ cơ sở cho Tây Nguyên  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (06/11/2005)
Bãi biển Sa Huỳnh - thơ mộng và quyến rũ  (04/11/2005)
Khu nhà mồ tù trưởng Khunjunob & R'leo K'Nul ở DakLak  (04/11/2005)