Khánh Hòa: "Duyên nợ" với khảo cổ học
8:31', 16/11/ 2005 (GMT+7)

Cho đến nay Khánh Hòa vẫn là một trong những tỉnh đã phát hiện, khai quật nhiều di tích - địa điểm khảo cổ học (KCH) từ thời kỳ tiền - sơ sử đến các thời kỳ lịch sử. Giới nghiên cứu KCH trong cả nước vốn đã quen thuộc với đàn đá Khánh Sơn, văn hóa Xóm Cồn, di tích Hòa Diêm... và sắp tới là Văn Tứ Đông.

Trống đồng Đại Mỹ (Ninh Thân - Ninh Hòa).

Trước năm 1975, Khánh Hòa hầu như còn là "mảnh đất trắng" trên bản đồ KCH. Thế nhưng từ sau giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây ngành VHTT (cụ thể là Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) đã kết hợp với nhiều cơ quan văn hóa Trung ương, nhất là Viện KCH khám phá ra nhiều điều thú vị về thời kỳ tiền - sơ sử ở Khánh Hòa.

Nói đến thành tựu của KCH ở xứ Trầm hương, nhiều người nhớ ngay đến đàn đá Khánh Sơn. Những kết quả xung quanh việc nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn đã cho thấy đó là một sản phẩm có ý thức của con người, Dốc Gạo là di tích công xưởng chế tác đàn đá hay nói cách khác, Khánh Hòa là quê hương của đàn đá.

Ngay sau khi "tiếng vang" của đàn đá Khánh Sơn chưa dứt, thì một phát hiện khác gây sững sờ cho giới KCH, đó là di chỉ Xóm Cồn (Cam Ranh). Việc khai quật và nghiên cứu di chỉ Xóm Cồn đã mở ra một chân trời mới trong việc nghiên cứu về thời tiền - sơ sử ở miền Trung. Trước khi khai quật di chỉ này, giới nghiên cứu KCH chỉ biết đến một nền khảo cổ duy nhất ở miền Trung và một phần Nam bộ (từ Quảng Bình đến Đồng Nai), đó là văn hóa Sa Huỳnh.

Nhưng với nhiều hiện vật thu được như công cụ sản xuất bằng đá, đồ trang sức… đặc biệt là đồ gốm, các nhà KCH đã xác định được Xóm Cồn là một văn hóa khác văn hóa Sa Huỳnh. Trước đó, một số người cho rằng Xóm Cồn thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa xóm Cồn chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự hình thành của văn hóa Sa Huỳnh, nhưng Xóm Cồn không thuộc hệ thống văn hóa này. Văn hóa Xóm Cồn là di tích đã thuộc thời đại kim khí nhưng có thể nói, đó là một trong những văn hóa có niên đại sớm nhất ở Trung bộ…

Nhắc lại một số nhận định xung quanh việc nghiên cứu di chỉ Xóm Cồn để thấy rằng, Khánh Hòa là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa. Việc phát hiện ra văn hóa Xóm Cồn là một bước tiến lớn của KCH Việt Nam. Năm 1993, Sở VHTT đã phối hợp với Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam xuất bản tập sách Văn hóa Xóm Cồn với tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa. Đây là một công trình có giá trị học thuật, được giới KCH trong nước đánh giá cao. Đáng tiếc là di chỉ Xóm Cồn đã không được bảo vệ tốt nên đến nay không còn nhiều.

Thời gian gần đây, Khánh Hòa còn nổi tiếng với di tích Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông - Cam Ranh), được khai quật 2 lần vào năm 1999 và 2002. Việc phát hiện ra di tích Hòa Diêm đã khẳng định sự hiện diện của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh tại Khánh Hòa (trước đó có người từng đề cập đến vấn đề này khi phát hiện ra khu mộ chum ở Diên Sơn - Diên Khánh trong các mùa điền dã 1988-1990).

Tính chất nổi trội và cũng là điều đặc biệt của Hòa Diêm: vừa là nơi cư trú, vừa là khu mộ táng của cư dân cổ. Mộ táng của Hòa Diêm có mật độ phân bố dày đặc với nhiều loại hình mộ táng khác nhau: mộ đất, mộ chum, mộ chôn lần đầu, mộ cải táng, mộ hỏa táng và mộ chôn biểu trưng.

Một mộ chum còn khá nguyên vẹn được khai quật tại di tích Hòa Diêm, Cam Thịnh Đông - Cam Ranh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng niên đại di tích Hòa Diêm có thể kéo dài từ thế kỷ I, II trước công nguyên đến I, II sau công nguyên. Những đặc điểm về di tích, di vật ở đây phản ánh sự tiếp nối văn hóa với một số truyền thống từ văn hóa Xóm Cồn (qua loại hình gốm) trong sự phát triển lên giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh (qua loại hình mộ chum, vò, kim loại sắt và đồ trang sức bằng vàng, mã não…).

Rất nhiều nhận định, kiến giải của giới KCH đã được rút ra từ việc nghiên cứu di tích Hòa Diêm. Thế nhưng, đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có một ấn phẩm nào về di tích Hòa Diêm được xuất bản. "Tiếng nói" của Hòa Diêm chưa được cất lên, đó là một thiệt thòi lớn cho di tích Hòa Diêm và cả giới KCH.

Trong chuyến điều tra, thám sát cuối tháng 10-2005, Bảo tàng tỉnh và Viện KCH đã phát hiện thêm 2 di tích mới là nghĩa trang Hòa Diêm, gò Miếu (Cam Thịnh Đông - Cam Ranh) là những "vệ tinh" của di tích Hòa Diêm. Bên cạnh đó là di tích Văn Tứ Đông (Cam Hòa - Cam Ranh), dự kiến sẽ được khai quật vào tháng 4-2006. Nơi đây có tầng văn hóa dày nhất (1,7-2m) từ trước đến nay ở Khánh Hòa, nếu không muốn nói là dày nhất ở miền Trung, được dự báo là sẽ thu được nhiều hiện vật quý.

Trong tình hình du lịch văn hóa của Khánh Hòa còn khá mỏng thì việc khai quật các di tích không chỉ đem lại giá trị cho việc nghiên cứu mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển du lịch. Nhìn về tương lai, khi các di tích này được khai quật thì Hòa Diêm có thể là một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhất là khi sân bay Cam Ranh đã thành sân bay dân sự, khoảng cách từ quốc lộ vào Hòa Diêm khá gần và chỉ cách trung tâm thị xã Cam Ranh chừng 5km.

Ngoài những di tích khảo cổ lớn ở trên, hiện nay ở Khánh Hòa đã phát hiện được 5 chiếc trống đồng thuộc nhóm 1 Đông Sơn (theo cách phân chia của học giả Heger người Áo) - Heger1. Trong đó, trống đồng Đại Mỹ (Ninh Thân - Ninh Hòa) được đánh giá là chiếc trống đồng có kích thước lớn và đẹp nhất được tìm thấy ở khu vực miền Trung.

Nhiều cán bộ làm công tác khảo cổ ở các nơi khác khi ghé thăm Bảo tàng Khánh Hòa đều "ghen tị" với sự "giàu có" này. Ngoài ra, ở Khánh Hòa còn phát hiện được tiền cổ, súng thần công… Khánh Hòa thực sự là vùng đất của KCH. "Duyên nợ" giữa Khánh Hòa với KCH ngày càng bền chặt, hứa hẹn thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

. Theo báo Khánh Hòa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng cổ Phước Tích  (15/11/2005)
Đến với xứ sở thần tiên  (14/11/2005)
Chìa khóa của sự phát triển  (13/11/2005)
Các điệu múa của người Êđê  (11/11/2005)
Hòn Kẽm đá dừng  (10/11/2005)
Về thăm nơi Cụ Phan yên nghỉ   (09/11/2005)
Ga Đà Lạt làm du lịch  (08/11/2005)
Thác Dray Kpơr (Đăk Lăk) được công nhận danh thắng văn hóa quốc gia  (08/11/2005)
Kiến nghị từ vùng lũ miền Trung  (07/11/2005)
Huế: phục chế toàn bộ tranh tường cung An Định  (07/11/2005)
Quế Sơn một vùng du lịch  (07/11/2005)
Suối Tre (Bình Thuận) - chốn bồng lai tiên cảnh  (07/11/2005)
Đào tạo 66.700 cán bộ cơ sở cho Tây Nguyên  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (06/11/2005)
Bãi biển Sa Huỳnh - thơ mộng và quyến rũ  (04/11/2005)