Một ngôi chùa đẹp nơi phố núi
7:57', 17/11/ 2005 (GMT+7)

Pleiku quanh năm lãng đãng sương mù, những buổi chiều chỉ có mùa đông và có lẽ nhờ thế mà Pleiku đẹp đến say lòng người.

Ở bài viết này, chúng tôi không đề cập đến cái đẹp tổng thể mà chỉ xin nói về một quần thể kiến trúc mang tính tâm linh góp phần làm nên nét đẹp của thành phố cao nguyên. Đó là chùa Minh Thành, một ngôi chùa không cổ nhưng là nơi có thể níu bước chân của những người yêu cái đẹp.

Khoác lên mình chiếc áo ấm dày cộp để tránh cái lạnh của Tây Nguyên, ngại thì đi xe còn không thì đi bộ vì không gì thích bằng đi bộ trong tiết trời se lạnh. Du khách đi cách trung tâm thành phố Pleiku 2km về hướng tây nam, chùa Minh Thành tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải ở đường Nguyễn Viết Xuân.

Từ xa, du khách đã có thể nhìn thấy tầng mái cong vút màu xanh ngọc của ngôi chùa in trên nền trời bồng bềnh mây trắng, càng đến gần hương sen càng rõ và rồi trước mắt du khách là một tòa kiến trúc lộng lẫy xanh tươi bên hồ sen thơm ngát. Chùa gồm có chánh điện, tháp chuông, tháp thờ tổ và rất nhiều kiến trúc khác.

Đặt bước chân đầu tiên lên tam cấp chánh điện, gặp cái nhìn của hai vị Kim Cang Hộ Pháp, những kẻ không thiện tâm hẳn chẳng tránh khỏi lo lắng trong lòng. Hai bức tượng Kim Cang cao khoảng 5m, được làm bằng gỗ mít, chạm khắc tinh xảo đến từng đường nét nhỏ nhất, trông rất sống động với cái nhìn dữ dội, xoáy vào tâm can kẻ tà tâm nhưng vẫn là hiện thân của cái thiện.

Chánh điện chùa cao 16m, trần nhà làm bằng gỗ -mu, cửa bằng gỗ gõ, chạm nổi Tứ Đại Thiên Vương. Có thể nói đây là bộ cửa gỗ lớn nhất nhì nước ta, có chiều cao 6m, khung cửa dày 4 tấc với 6 cánh cửa dày 2 tấc. Chánh điện chùa tôn trí tượng Thập Bát La Hán làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, mỗi bức tượng cao 1,3m, nặng 300kg, mười tám vị với mười tám gương mặt khác nhau như hiện rõ cả cõi nhân tình thế thái. Hai bên vách chánh điện có 30 vị Phật và vách phía sau là 88 vị Phật khác. Tất cả các bức tượng này được chạm nổi vào tường rất công phu.

Thẳng theo hướng tây của chánh điện là điện Đại Bi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn đúc bằng đồng theo phong cách Việt Nam, cao 6,5m, nặng 10 tấn. Bên phải chánh điện là tháp Từ Ân thờ tổ khai sơn, tháp có ba tầng mái, lợp ngói vảy rồng, trang trí rồng và hoa sen cách điệu. Bên trái chánh điện là tháp chuông, tôn trí đại hồng chung được đúc tại Huế. Trước sân chùa có tượng Di Đà bằng đá hoa cương, cao 7m, nặng 40 tấn. Kế bên là lư hương bằng đồng lớn nhất Việt Nam, cao 4m, nặng 4 tấn. Trước đó là ao sen với hoa nở ánh hồng cả mặt nước. Đứng từ vị trí này, phóng tầm mắt ra xa, thành phố Pleiku hiện lên trong sương đẹp tuyệt trần với màu xanh của cây lá, màu trắng của sương mây và màu đỏ của những mái nhà...

Để có những giây phút thật thư thái dạo trên con đường nhỏ đầy hoa cỏ, thả tâm hồn vào hư vô cõi Phật hay ngắm nhìn phố núi từ trên cao, du khách đã đến Pleiku hẳn không thể bỏ qua chùa Minh Thành, ngôi chùa mới xây nhưng vẫn rất hoài cổ với màu nâu ấm áp của gỗ, của đất... chờ mỗi bước chân qua.

. Theo CATPHCM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khánh Hòa: "Duyên nợ" với khảo cổ học  (16/11/2005)
Làng cổ Phước Tích  (15/11/2005)
Đến với xứ sở thần tiên  (14/11/2005)
Chìa khóa của sự phát triển  (13/11/2005)
Các điệu múa của người Êđê  (11/11/2005)
Hòn Kẽm đá dừng  (10/11/2005)
Về thăm nơi Cụ Phan yên nghỉ   (09/11/2005)
Ga Đà Lạt làm du lịch  (08/11/2005)
Thác Dray Kpơr (Đăk Lăk) được công nhận danh thắng văn hóa quốc gia  (08/11/2005)
Kiến nghị từ vùng lũ miền Trung  (07/11/2005)
Huế: phục chế toàn bộ tranh tường cung An Định  (07/11/2005)
Quế Sơn một vùng du lịch  (07/11/2005)
Suối Tre (Bình Thuận) - chốn bồng lai tiên cảnh  (07/11/2005)
Đào tạo 66.700 cán bộ cơ sở cho Tây Nguyên  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (06/11/2005)