Chương trình điều tra, thám sát khảo cổ học lăng Tự Đức đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện. Các nhà khảo cổ tiến hành khai quật tại khu vực Y Khiêm điện và Trì Khiêm điện (nơi lưu trú của các cung tần mỹ nữ theo hầu vua), và đã có nhiều phát hiện mới rất có giá trị về lịch sử.
Phát hiện mới
|
Các chân táng bằng đá tại một khu nền móng vừa xuất lộ. |
Các nhà khảo cổ đã đào thám sát được 3.000m2 trong tổng số 7.000m2 diện tích của Y Khiêm điện và Trì Khiêm điện. Phát hiện mới nhất và thú vị nhất mà các nhà khảo cổ thu thập được trong quá trình đào bới là sự xuất lộ nền, móng và cấu trúc, hệ thống chân táng… của 4 khu kiến trúc lớn, riêng biệt, trong khu vực Y Khiêm điện và Trì Khiêm điện. Điều này hoàn toàn khác với nhiều ý kiến từng tồn tại trước đây cho rằng tại đây chỉ có hai khu Y Khiêm điện và Trì Khiêm điện.
Bốn công trình riêng biệt này được ngăn bằng các bức tường cao khoảng 2m, móng dày gần 60cm. Mỗi khu gồm một dãy nhà lớn dài 12 gian, bịt đốc, chung quanh có tám công trình nhỏ chia đều cả hai phía trước và sau. Mỗi công trình nhỏ lại có cửa ra vào, ngăn các khối kiến trúc lớn với các kiến trúc nhỏ. Tại các công trình chính, các chân táng bằng đá tuy bố trí thẳng hàng, có gia cố cẩn thận nhưng lại có độ cao thấp khác nhau rõ rệt. Và cả bốn khu đều có cấu tạo như vậy. Giữa các khu có lối đi thông với nhau lát gạch, có cửa thông ra ngoài, tường bao.
Điều đáng lưu ý là qua các lớp vôi vữa sót lại, có thể nhận ra rất rõ dấu vết của hai thời kỳ, lúc vua Tự Đức đang sống (không gian mở) và sau khi ông chết (các lối thông ra bên ngoài bị bịt kín tạo thành các biệt cung để giam lỏng các phi tần, mỹ nữ).
Ngoài ra, đoàn khảo cổ còn tìm thấy hàng chục nghìn di vật khảo cổ gồm: các vật liệu kiến trúc như ngói, gạch, đầu rồng, viên đá thanh chạm đầu rồng; các mảnh gốm sứ có nguồn gốc và niên đại khác nhau, mảnh bát đĩa nồi niêu…; đồ trang sức của các cung tần mỹ nữ như lọ nước hoa, bình đựng son phấn và một số tiền cổ từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Từng tồn tại bốn viện?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trưởng đoàn khảo cổ học ở Huế, cho biết: "Ban đầu, thấy chỉ có hai khu, và trong các tài liệu mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp cũng chỉ thấy nói về Y Khiêm điện và Trì Khiêm điện. Khi phát hiện thêm hai nền móng mới nữa, chúng tôi rất bối rối. Không biết nó vốn là bốn khu riêng biệt hay là trực thuộc Y Khiêm điện và Trì Khiêm điện. Do đó, chúng tôi đã tiếp tục đào bung ra, thấy cả bốn khu đều có kiến trúc giống nhau, hoàn toàn riêng biệt. Sau đọc lại "Khiêm Cung ký" do Lê Nguyễn Lưu dịch, có duy nhất một dòng ghi về sự tồn tại của Y Khiêm điện, Trì Khiêm điện, Tùng Khiêm điện và Dụng Khiêm điện nên chúng tôi cho rằng hai nền móng vừa tìm thấy là Tùng- Dụng Khiêm điện. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giả thuyết của chúng tôi bởi trong các hiện vật thu được chưa tìm thấy các bia đá đề tên và trên các cổng cũng không thấy tên".
Các nhà khảo cổ cho rằng cách bố trí mỗi khu có một công trình chính và tám công trình phụ có thể liên tưởng đến khu sinh hoạt cộng đồng của những người có đẳng cấp khác nhau, sống ở các khu vực khác nhau trong Khiêm điện. Hiện tại, chưa có đủ điều kiện để phân biệt, định danh từng kiến trúc và ý nghĩa của nó (quý phi ở đâu, thứ phi ở đâu…). Các nền móng xây bằng gạch xưa có các ký hiệu khác nhau như cánh sen, ô chữ, hoa 6 cánh, hoa 4 cánh… cho thấy gạch có nhiều xuất xứ và cũng có thể biểu thị các đẳng cấp khác nhau tại các khu.
Từ những phát hiện mới này, đã có những hình dung bước đầu về kiến trúc Tam Cung Lục Viện trong Kinh thành Huế xưa kia.
. Theo SGGP |