Tỉnh Đăk Lăk có nhiều biện pháp tích cực trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa bên dòng sông Sêrêpok, góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hóa của địa phương.
Sông Sêrêpok còn gọi là sông Dak K'rông, được hình thành từ sự giao lưu của hai con sông lớn trên cao nguyên Đăk Lăk, đó là sông Krông Ana (sông mẹ), sông Krông Nô (sông cha). Sông Sêreepok chảy qua các vùng đất Krông Ana, Krông Nô, Cư Jút, Buôn Đôn, Ea Súp… sau đó đổ về sông Mê Kông, tạo ra nhiều thác nước đẹp trên địa bàn tỉnh.
|
Biểu diễn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
|
Dọc hai bên bờ sông là nơi cư ngụ của nhiều buôn làng đồng bào dân tộc Ê-đê, Mnông, Gia-rai và nhiều đồng bào các dân tộc khác tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng.
Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa Đăk Lăk từ bao đời nay đã gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng, không những thể hiện sự giàu có, quyền lực của mỗi gia đình mà còn là phương tiện giao tiếp với thần linh, gắn với các nghi lễ.
Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu giữ 3.375 bộ cồng chiêng (trong đó, dân tộc Ê-đê có 2.680 bộ, dân tộc Mnông có 627 bộ, dân tộc Gia-rai có 68 bộ). Ngoài cồng chiêng bằng đồng, còn có những bộ nhạc cụ bằng tre nứa như ching Kram, đing năm, goong, đing tút… Các loại nhạc cụ này, tỉnh đã khôi phục, phát huy đưa vào phục vụ trong đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ chức dạy đánh cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc khác cho hàng vạn thanh thiếu niên là con em đồng bào các dân tộc.
Đăk Lăk đã thành lập hàng trăm đội cồng chiêng ở các buôn làng. Đội cồng chiêng buôn Cô Sia không những nổi tiếng trong nước mà còn được đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới… Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng còn có nhiều nghi lễ, lễ hội như lễ hội vòng đời người, lễ hội vòng cây cối, lễ rước Kpan, lễ cúng bến nước, lễ cúng hồn lúa, ăn cơm mới, mừng được mùa… Các lễ hội này cũng đã được tỉnh Đăk Lăk khôi phục, phục vụ các dịp lễ hội các dân tộc, khách tham quan du lịch.
Trong cuộc sống lao động chinh phục thiên nhiên, núi rừng, sông nước, đồng bào các dân tộc bản địa Đăk Lăk đã sáng tạo ra những sử thi nổi tiếng như Đam San, Dam Di, Xinh Nhã, Dăm tiông… Tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa- Thông tin sưu tầm được trên 67 tác phẩm sử thi, ghi 201 băng ghi âm, thống kê, làm lý lịch trên 70 nghệ nhân còn nhớ hát kể các tác phẩm sử thi, đồng thời biên dịch, xuất bản hàng chục đầu sách về sử thi, truyện cổ của đồng bào dân tộc Ê-đê, Mnông…
Tỉnh đã vận dụng một số luật tục của đồng bào Ê-đê, Mnông, Gia-rai đưa vào hương ước xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa, bảo vệ tài nguyên rừng, đất rừng, nguồn nước…
Đăk Lăk còn đầu tư, khôi phục lại các làng nghề truyền thống, xây dựng các buôn, hợp tác xã dệt thổ cẩm. Đặc biệt tỉnh duy trì, phát triển đàn voi hiện có (hiện chỉ còn 54 con) để góp phần trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của người dân bản địa bên dòng sông Sêrêpok thu hút ngày càng đông khách du lịch trong, ngoài nước đến du lịch voi của Đăk Lăk.
. Theo báo Dân tộc và Phát triển |