Cửa khẩu Bờ Y - vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum đã khởi động
9:15', 28/11/ 2005 (GMT+7)

Phát biểu tại buổi lễ công bố Quyết định 217 của Chính phủ, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y về Chính phủ quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Hà Ban đã nhấn mạnh đây là sự kiện trọng đại và xem đó là món quà ý nghĩa nhất của Chính phủ dành chào mừng Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Thật vậy, việc ra đời của Quyết định 217 đã "thổi" vào khu kinh tế này một luồng sinh khí mới. Ngay trong ngày công bố Quyết định có 8 dự án đầu tư với nguồn vốn 1.576 tỉ đồng, được cấp phép đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu - dấu hiệu cho thấy khu kinh tế quy mô lớn đầu tiên của khu Tam giác phát triển đã bắt đầu khởi động.

Với vị trí địa chính trị, ngã ba Đông Dương là một cửa ngõ của Lào và Campuchia ra biển ngắn nhất, là vùng biên giới ổn định hữu nghị của 3 nước, cửa khẩu Bờ Y có yếu tố vượt trội trong chiến lược phát triển kinh tế của toàn vùng. Thủ tướng ba nước Đông Dương đã nhiều lần cam kết phối hợp nỗ lực để phát triển khu vực chung này thành vùng kinh tế động lực, thành trung tâm liên kết ba nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đón đầu cơ hội, đến nay bằng nỗ lực của tỉnh Kon Tum, khu kinh tế này đã được đầu tư hơn 100 tỉ đồng để xây dựng đường sá, Trạm kiểm soát liên hợp, lưới điện, thông tin liên lạc… làm thay đổi hẳn bộ mặt của vùng biên giới hoang vu. Ngoài việc xây dựng quốc lộ 40 dài 18 km, nối cửa khâu Bờ Y với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Plei-kần, Chính phủ còn hỗ trợ cho Lào 48,3 triệu USD để nâng cấp 113 km quốc lộ 18B, nối Bờ Y với thành phố Paksé (Lào) mở đường ra cho biển Đông cho cả vùng Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan - một khu vực có 20 triệu dân, tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng kinh tế chưa phát triển vì thiếu mối liên kết chung của toàn vùng.

Dự kiến quốc lộ 18B của Lào dài 290 km, sẽ thông xe vào tháng 4-2006, khi ấy từ Paksé, thủ phủ vùng Nam Lào ra cảng Đà Nẵng chỉ còn 550 km. Quyết định 217 của Chính phủ, sẽ dành cho các doanh nghiệp làm ăn tại Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y với những ưu đãi chưa từng có và chỉ áp dụng cho vùng đặc biệt khó khăn như miễn tiền thuê đất 11 năm, từ năm thứ 12 trở đi chỉ đóng tiền thuê đất bằng 30% giá thuê đất miền núi, được thế chấp quyền sử dụng đất, được Quỹ hỗ trợ xem xét cho vay vốn, nếu bị lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau, được miễn tiền sử dụng cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng…

Theo ông Nguyễn Thế Đạt, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y thì từ năm 2006 trở đi từ các nguồn vốn: vốn ưu đãi đầu tư, vốn trái phiếu, vốn ODA và vốn của các thành phần kinh tế tham gia vào khu vực cửa khẩu mỗi năm không dưới 500-1.000 tỉ đồng. Trong thời gian gần đây, Nhật Bản cũng hứa dành 1,5 tỉ USD cho đầu tư hạ tầng các nước trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). Khu vực Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nằm trong vùng được xem xét sử dụng nguồn vốn này.

Với định hướng không gian 68.750 ha, Khu kinh tế cửa khẩu sẽ được quy hoạch khu đô thị 9.000 ha, cảng hàng không Quốc tế 1.000 ha và các khu thương mại quốc tế, khu công nghiệp, khu dịch vụ vui chơi giải trí và các khu dân cư hạ tầng có quy mô, mỗi hộ dân đạt 300 m2 trở lên, để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

Dẫu chưa đồng hành cùng Việt Nam khởi động mạnh trong khu Tam giác phát triển, nhưng đến nay phía Lào đã lập dự án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Phù Cưa tỉnh Attôpư; phía Campuchia cũng xây dựng khu kinh tế Côngtuineo tỉnh Ratanakiri. Đến nay giữa Việt Nam và Lào đã có sự hợp tác xây dựng quốc lộ 18B nối thủ phủ của Attôpư (Lào) tới biên giới Việt - Lào, nối tiếp với quốc lộ 40 của Việt Nam; giữa Việt Nam và Campuchia cũng đang triển khai các hoạt động tiến tới việc nâng cấp quốc lộ 78 nối thủ phủ của Rattanakiri tới biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tuy nhiên, giáp vùng khu kinh tế Bờ Y là vùng rừng núi biên cương hẻo lánh, dân cư thưa thớt, phần lớn là người đồng bào dân tộc địa phương, trình độ dân trí thấp, nên khả năng cung cấp nguồn nhân lực là rất hạn chế. Do vậy, đối với sự hoạt động khởi đầu của Tam giác phát triển nguồn vốn đóng góp của Chính phủ ba nước là rất quan trọng, đặc biệt cho việc nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Diện mạo Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y dẫu đang dần hình thành, nhưng với kỳ vọng và sớm mong muốn biến lợi thế địa lý của Bờ Y thành khu kinh tế cửa khẩu quốc tế sầm uất và hiện đại, tỉnh Kon Tum vẫn phải trông chờ một cú "hích" thật sự của Trung ương.

. Theo báo Kon Tum

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đặc sản Bình Thuận - món ăn độc đáo vùng biển Nam Trung Bộ   (27/11/2005)
Bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc bản địa bên dòng Sêrêpok  (25/11/2005)
Phát hiện mới khảo cổ học di tích lăng Tự Đức  (24/11/2005)
Bình Thuận - điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư  (23/11/2005)
Độc đáo Chùa Từ Vân  (22/11/2005)
Xây dựng công trình hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung  (21/11/2005)
Khu du lịch Đại Lãnh  (20/11/2005)
Nguồn lực để Gia Nghĩa bứt phá  (18/11/2005)
Một ngôi chùa đẹp nơi phố núi  (17/11/2005)
Khánh Hòa: "Duyên nợ" với khảo cổ học  (16/11/2005)
Làng cổ Phước Tích  (15/11/2005)
Đến với xứ sở thần tiên  (14/11/2005)
Chìa khóa của sự phát triển  (13/11/2005)
Các điệu múa của người Êđê  (11/11/2005)
Hòn Kẽm đá dừng  (10/11/2005)