Vùng đất giáo phường Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) xưa không những là quê hương của khúc hát ca trù nổi tiếng, nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: đình Hoa Vân Hải, nhà thờ Quốc công Nguyễn Xí, nhà thờ Đinh Lễ điện xứ ca trù…
Ngày xưa, Cổ Đạm là nơi hội tụ của các tao nhân mặc khách về đây để dự lễ hội ca trù.
Theo lưu truyền trong nhân dân thì người sản sinh ra đàn đáy và khúc hát ca trù là ông Đinh Lễ. Ông sinh ngày 12 tháng 6 âm lịch, vào đời Lê cách đây hơn 500 năm ở làng Phủ Giáo, tổng Cổ Đạm. Ông vốn là người thông minh, học cao biết rộng và đàn hát rất hay. Không những hát ở quê nhà, ông còn đi hát rong, hát dạo ở các chợ và nơi đông người.
Trong một lần đi hát ở Thanh Hóa, ông được quan phủ Mạc Đình Sa mời về hát ở nhà. Giọng hát không những làm say lòng bao tao nhân mặc khách mà còn làm say lòng cô Kiều Hoa tuổi 16, là con gái rượu của ông quan phủ Mạc Đình Sa. Cô Kiều Hoa vốn đẹp người đẹp nết, nhưng cô bị câm từ nhỏ đến khi nghe tiếng đàn đáy và giọng hát của Đinh Lễ thì bỗng nhiên nói được nên lời.
Do tình yêu say đắm của mình nên Kiều Hoa đã vượt qua bức tường lễ giáo phong kiến để đi đến hôn nhân với Đinh Lễ. Sau khi cưới được Kiều Hoa, Đinh Lễ đã xin phép gia đình bên ngoại đưa vợ về quê nhà ở Cổ Đạm và lập nên gánh hát ca trù nổi tiếng sau này.
Để ghi nhớ công lao người đã sản sinh ra cây đàn đáy và khúc hát ca trù - một loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc (hay còn gọi là hát ả đào) nên vào thời nhà Mạc, nhân dân của 4 phủ và 12 huyện của vùng Nghệ An và Hà Tĩnh bấy giờ đã quyên góp tiền của để xây dựng nhà thờ tổ của ca trù lấy tên Đinh Lễ điện xứ ca trù Cổ Đạm.
Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 6 âm lịch, các quan và nhân dân 4 phủ và 12 huyện trong vùng Nghệ An, Hà Tĩnh lại hội tụ về đây để tổ chức lễ hội ca trù truyền thống. Lễ hội được tổ chức trong 7 ngày, với các nghi lễ dâng hương, múa hát ca trù, hát ví, hát dặm, hát chầu… Lễ hội này đã thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ. Người hát chủ yếu là các nghệ nhân của ca trù Cổ Đạm.
Tiếp nối truyền thống đó, có cô Phan Thị Tự nổi tiếng là người đàn hay, hát giỏi và rất thông minh. Cô sinh vào đời vua Mạc Đăng Dung ở thế kỷ 17 tại làng Phú Giáo, tổng Cổ Đạm. Năm lên 20 tuổi, tên tuổi của cô đã nổi tiếng khắp vùng nên được nhà vua vời vào cung để dạy đàn và hát ca trù cho các cung phi trong triều.
Đặc biệt, năm 1919, vua Khải Định đã mời 25 nghệ nhân hát ca trù nổi tiếng ở Cổ Đạm vào hát "tứ tuần đại khánh ở Huế". Cảm phục giọng hát hay của các nghệ nhân ca trù Cổ Đạm nên vua Khải Định đã tặng một bức gỗ sơn son thếp vàng và đề chữ "Mỹ tục khả thi" để tặng cho các nghệ nhân.
Để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội ca trù Cổ Đạm, hàng năm, UBND huyện Nghi Xuân đã phối hợp với xã Cổ Đạm đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân cao tuổi tập huấn cho 25 học viên để tiếp thu và giữ gìn thể loại ca trù cho hậu thế. Theo ông Nguyễn Phùng, nguyên là Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm, thì: Ca trù là một thể loại văn hóa phi vật thể đã được lưu truyền rộng rãi hơn 500 năm và đã có một sức sông văn hóa tinh thần của nhân dân. Đó là một tài sản quý giá của dân tộc nhưng hiện nay đang bị mai một dần. Bởi vậy, khôi phục và phát triển thể loại văn hóa phi vật thể này là điều cần thiết.
Trước đây, một số người cho rằng hát ả đào là để phục vụ các tầng lớp quan lại của chế độ phong kiến nên từ đó nhà thờ Đinh Lễ điện xứ ca trù Cổ Đạm cũng bị đập phá. Bên cạnh đó, do chiến tranh tàn phá nặng nề chỉ còn lại nền móng. Xã Cổ Đạm đã xây dựng lại nhà thờ này. Hàng năm, UBND xã Cổ Đạm đã phối hợp với dòng họ Phan của làng Phủ Giáo tổ chức lễ hội ca trù vào ngày 11-3 để đón du khách đến nghe hát và thăm thú phong cảnh đẹp nơi đây.
. Theo báo Hà Tĩnh |