Cách đây 10 năm về trước, có đến 50 ngàn người từ mọi miền đất nước và du khách nước ngoài đã đổ về chật đường, chật phố Phan Thiết để chứng kiến nhật thực toàn phần. Vào lúc 11 giờ trưa ngày 24-10, khi mà mọi người đang chăm chú nhìn lên bầu trời xanh trong, chờ đợi sự giao hòa, gặp gỡ của mặt trời với mặt trăng, thì cũng là lúc họ nhận ra sự giao hòa của tâm hồn mình với vùng đất giàu tiềm năng du lịch, phong phú hấp dẫn.
Từ đó Hàm Tiến - Mũi Né, rồi hàng chục, hàng trăm km bờ biển từ Hàm Tân đến Tuy Phong với "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" như một cô gái trong trắng ngây thơ của buổi dậy thì, đã từng ngày từng giờ được tô điểm, được khoác lên mình thêm những chiếc áo đẹp. Để hôm nay sau 10 năm, du lịch Bình Thuận trở thành nàng tiên xinh đẹp, phổng phao làm đắm say lòng người và cuốn hút biết bao chàng trai, cho dù họ mới đặt chân đến hoặc chỉ mới một lần nghe kể lại.
Bình Thuận với địa hình vừa có núi cao, có biển rộng và đồng bằng bị chia cắt bởi nhiều nơi núi vươn ra sát biển, là nơi có nhiều luồng nhập cư ở nhiều vùng khác đến, với nhiều phong tục, tập quán đa dạng tạo nên tiềm năng du lịch phong phú.
Có thể nói ít có nơi nào như Bình Thuận có nhiều công trình và danh lam thắng cảnh xứng đáng là kỷ lục Việt Nam đến như vậy. Đó là Hải đăng (Khe Gà) xưa nhất; đền thờ cá voi lớn nhất; tượng Phật nhập niết bàn lớn nhất; bộ xương cá voi lớn nhất; bộ kinh Phật khắc gỗ cổ nhất; lễ hội Trung thu lớn nhất; nơi có nhiều đồi cát nhất; tháp nước (Phan Thiết) đẹp nhất; bãi đá (Cà Dược) đẹp nhất...
Những cái "nhất" đó cùng với những danh thắng khác đã được nhiều người biết đến như Hồ Biển Lạc và khu rừng cấm Núi Ông (Tánh Linh), Hồ Sông Quao, Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) Chùa Núi Cú (Hàm Thuận Nam), Chùa Hang (Tuy Phong), Dinh Thầy Thím (Hàm Tân), Tháp Pôâshanư, Khu Di tích Dục Thanh và sân golf (Phan Thiết)... cùng với bản tính con người Bình Thuận hiền hòa, chất phác, cởi mở và mến khách luôn tạo nên một sức hút mạnh mẽ, kỳ diệu đối với du khách.
Trong thời điểm hiện tại, chúng ta dễ nhận thấy du lịch sinh thái biển đang được du khách ưa chuộng nhất. Vào những dịp nghỉ cuối tuần, dịp lễ, tết, chỉ nhìn vào những đoàn xe du lịch chở du khách nườm nượp đổ về biển Hàm Tiến - Mũi Né là cũng đủ thấy sức hút mạnh mẽ của du lịch sinh thái biển.
Du khách đến Bình Thuận không chỉ để thưởng thức phong cảnh êm đềm, thơ mộng của một vùng đất hoang sơ, thoáng mát mà còn là tắm biển, nghỉ dưỡng tăng cường sức khỏe; thưởng thức, tận hưởng các hải đặc sản biển như cua, ghẹ, tôm hùm, tôm vỗ, gỏi cá mai, cá suốt, nghêu, sò, ốc, hến, ó sao, mực một nắng... mà hiếm có nơi nào tươi ngon, thú vị đến như vậy.
Nếu du khách đi dọc bờ biển, trên con đường nhựa phẳng lì, êm ru sẽ được chứng kiến nhiều bãi biển cảnh quan đẹp với môi trường tự nhiên trong lành như: Cà Ná, Cù Lao Câu, bãi đá Cà Dược (Tuy Phong), Vĩnh Thủy, Rạng - Mũi Né (Phan Thiết), mũi Điện (Hàm Thuận Nam), Đồi Dương (Hàm Tân)... trên đó mọc lên hàng trăm khu du lịch phục vụ du khách.
Theo báo cáo gần đây của các cơ quan chức năng, Bình Thuận hiện có 365 dự án du lịch được chấp nhận đầu tư, trong đó có 80 dự án đã đi vào hoạt động. Thật thú vị khi được nhìn những khu du lịch đẹp "hết cỡ" ở vùng biển Hàm Tiến -Mũi Né. Một bên là cát trắng, một phía là biển xanh, những khu du lịch ở giữa với những biệt thự cao cấp nép mình dưới những tán dừa trĩu quả, dưới chân là những thảm cỏ xanh mát rượi, những hồ, suối nhân tạo, nước chảy róc rách, như đưa con người về với một thế giới thần tiên, vừa có nét hiện đại, vừa dân dã hoang sơ.
Những nét đặc sắc đó chính là sự gọi mời hiệu quả nhất đối với du khách. Từ con số vài ba trăm ngàn lượt khách những năm cuối thập kỷ 90, chỉ trong mấy năm thôi, khách du lịch đến Bình Thuận đã tăng lên khoảng 1,5 triệu lượt năm 2004, dự kiến năm 2005 có thể lên con số gần 2 triệu, trong đó khách quốc tế khoảng 8-9%.
Những con số trên là điều rất đáng phấn khởi đối với ngành du lịch Bình Thuận, tuy vậy vẫn chưa thể làm thỏa mãn những người trong cuộc. Điều mà những người làm du lịch còn băn khoăn là làm sao để khách đến Bình Thuận lưu trú lâu hơn, tiêu dùng nhiều hơn, tỉ lệ khách quốc tế cao hơn và ngày càng có nhiều du khách trở lại với Bình Thuận, nhớ đến Bình Thuận khi đã một lần đi qua.
Mai đây với hàng trăm dự án du lịch nữa sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động, sẽ là điều kiện rất tốt để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hy vọng rồi đây Bình Thuận sẽ thu hút những nhà đầu tư có năng lực tài chính lớn để phát triển du lịch cấp cao.
Du khách đến Bình Thuận không chỉ tắm biển, ẩm thực, nghỉ ngơi mà còn được phục hồi sức khỏe và chữa bệnh, được giới thiệu tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng của một vùng đất có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của nhiều dân tộc anh em với các lễ hội lớn như đua thuyền, nghinh Ông, lễ hội Trung thu...
Tự bản thân mỗi một doanh nghiệp du lịch sẽ tìm cho mình hướng đi phù hợp và đổi mới hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách. Vấn đề hiện nay là làm sao Bình Thuận liên kết được những nét độc đáo về văn hóa, những danh lam thắng cảnh với nhau trong một quần thể du lịch, qua đó thiết kế những tour du lịch dài ngày, hấp dẫn lôi cuốn du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Bình Thuận đang phấn đấu để đến năm 2010, tỉ trọng của ngành du lịch chiếm 10% GDP của tỉnh. Điều đó có khả năng sẽ thực hiện được nếu các ngành chức năng của Bình Thuận biết tập trung khai thác có hiệu quả về cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo đã có trên cơ sở phát triển mạnh các tuyến du lịch ven biển đã được hình thành, đồng thời hướng vào các vùng khác tạo ra các tour du lịch nội tỉnh cũng như giữa Bình Thuận với các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên.
Hy vọng với tư duy mới, cách làm mới, "nàng tiên" du lịch Bình Thuận sẽ ngày càng xinh đẹp và hấp dẫn hơn đối với du khách trên mọi miền đất nước và du khách quốc tế, xứng đáng là một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước.
. Theo báo Bình Thuận |